Acb công bố báo cáo kinh doanh quý 3

Nguồn: HSC
CẬP NHẬT THÔNG TIN

NHÓM NGÀNH: NGÂN HÀNG

SỰ KIỆN: CÔNG BỐ BÁO CÁO KINH DOANH QUÝ 3

ACB đã công bố KQKD Q3/2022 rất khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 4.475 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ) nhờ tăng trưởng từ HĐKD cốt lõi tích cực (tăng 33,4% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm mạnh (giảm 89% so với cùng kỳ) mặc dù thu nhập ngoài lãi giảm (giảm 10% so với cùng kỳ).

Đồ thị cổ phiếu ACB phiên giao dịch ngày 8/11/2022. Nguồn: Fireant

LNTT 9 tháng đầu năm 2022 đạt 13.503 tỷ đồng (tăng 50,6% so với cùng kỳ), bằng 79,5% dự báo cả năm 2022 của HSC và cao hơn một chút kỳ vọng. LNTT lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 cũng đã hoàn thành 90% kế hoạch cả năm là 15.018 tỷ đồng của Ngân hàng.

Tín dụng tăng nhẹ

Tín dụng tăng nhẹ trong Q3/2022 (tăng 1,7% so với quý trước) và cao hơn 11,1% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng Q3/2022 chậm lại so với quý trước (Q2/2022 tăng 4,1% so với quý trước) vì ACB có vẻ đã dùng hết hạn mức tín dụng được NHNN giao.

Hệ số LDR điều chỉnh giảm nhẹ xuống còn 83,1% (từ 83,5% trong Q2/2022) vì tổng vốn huy động tăng 4,1% so với đầu năm. HSC thấy rằng vốn huy động từ giấy tờ có giá tăng đáng kể, tăng 31,1% so với đầu năm trong khi tiền gửi khách hàng giảm 4,7% so với đầu năm.

Bảng 1: KQKD Q3/2022 và 9 tháng đầu năm 2022, ACB

Tỷ lệ NIM tăng

So với quý trước, tỷ lệ NIM tăng nhẹ lên 4,48% (tăng 5 điểm cơ bản) với lợi suất gộp tăng 14,6 điểm cơ bản so với quý trước lên 7,55%; cao hơn mức tăng của chi phí huy động (tăng 13,4 điểm cơ bản lên 3,32%). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q3/2022 giảm còn 24,1% từ 25% tại thời điểm cuối Q2/2022.

Thu nhập ngoài lãi giảm

Thu nhập ngoài lãi Q3/2022 giảm 10%, chủ yếu vì lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối giảm và lỗ HĐ mua bán trái phiếu. Cụ thể:

Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 36% so với cùng kỳ từ nền thấp năm ngoái nhưng giảm 13% so với quý trước, một phần vì Ngân hàng chậm được giao hạn mức tín dụng mới.

Lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối chỉ đạt 95 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ và giảm 34% so với quý trước vì mặt bằng tỷ giá USD/VND ở mức cao không thuận lợi cho HĐ kinh doanh ngoại hối.

ACB tiếp tục ghi nhận lỗ HĐ mua bán trái phiếu là 41 tỷ đồng vì ghi nhận cả lỗ đã thực hiện và chưa thực hiện.

Thu hồi nợ xấu tiếp tục đóng góp vào thu nhập ngoài lãi với lợi nhuận khác Q3/2022 tiếp tục đạt 124 tỷ đồng, theo đó lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 849 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức 139 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021.

Chi phí HĐ khiêm tốn nhờ chi phí nhân viên ở mức thấp

Chi phí HĐ tăng 12% so với cùng kỳ lên 2.526 tỷ đồng với chi phí nhân viên chỉ tăng 1,6%. Ngoài ra, ACB trích lập 3,3 tỷ đồng chi phí giảm giá đầu tư dài hạn vì tình hình thị trường cổ phiếu không được tích cực trong Q3/2022.

Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1%

Tổng nợ xấu tăng 44% so với cùng kỳ lên 4.056 tỷ đồng, tương đương 1% tổng dư nợ cho vay (so với mức 0,76% tại thời điểm cuối Q2/2022). Đáng chú ý, nợ nhóm 5 là 3.190 tỷ đồng (tăng 46% so với quý trước và tăng 119% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, Cổ phiếu ACB mới chỉ trích lập 90 tỷ đồng chi phí dự phòng (giảm 89% so với cùng kỳ) vì Ngân hàng tiếp tục hoàn nhập dự phòng đã trích lập cho nợ tái cơ cấu. Vì vậy, hệ số LLR giảm còn 138% từ 185% tại thời điểm cuối Q2/2022.

Định giá và khuyến nghị

ACB hiện có P/B dự phóng năm 2022 là 1,14 lần; cao hơn 22,5% so với bình quân các NHTM tư nhân. HSC cho rằng định giá của ACB cao hơn bình quân là có cơ sở vì Ngân hàng có tỷ trọng TPDN và cho vay doanh nghiệp BĐS thấp.