Bản tin sáng ngày 23/09/2022: TCM: Lãi sau thuế 8 tháng đạt gần 192 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ

,

BẢN TIN SÁNG NGÀY 23/09/2022

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Nhiều ngân hàng trung ương ‘nối gót’ Fed tăng lãi suất

– Trong ngày 22/9, một loạt ngân hàng trung ương đã công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, sau hành động tương tự của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

– Cụ thể, ngân hàng trung ương của Philippines trong chiều 22/9 đã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019 là 4,25%. Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) cùng ngày đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.

– Tại châu Âu, một số ngân hàng trung ương cũng có bước đi tương tự. Ngân hàng trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất 0,5 điểm cơ bản lên 2,25%, trong khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức 2,25%. Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

– Tại Trung Đông, các quốc gia Vùng Vịnh như Saudi Arabia và Bahrain cùng thông báo nâng lãi suất chính sách thêm 75 điểm cơ bản (bps) giống như quyết định của Fed.

– Nhưng cũng có những ngoại lệ như Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở ngưỡng -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở ngưỡng 0%. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hạ lãi suất, bất chấp tỷ lệ lạm phát đang cao tới 80%/năm. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống đáy thấp kỷ lục so với USD.

• Nhật Bản lần đầu can thiệp cứu đồng yên kể từ năm 1998

– Bộ Tài chính Nhật Bản chiều nay can thiệp vào thị trường tiền tệ để đẩy giá yên lên, khi đồng tiền này liên tục mất giá so với USD.

– Quyết định trên được đưa ra sau khi giá yên rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng tại 145 yên đổi một USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998 giới chức Nhật Bản phải kéo giá nội tệ lên.

– Yên vốn đã yếu đi so với USD vài tháng qua, tổng cộng giảm 20% từ đầu năm. Tuy nhiên, giá đồng tiền này chiều nay tiếp tục giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất âm, bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm qua nâng lãi suất mạnh tay để ghìm lạm phát. BOJ cho biết không có ý định nâng lãi trong tương lai gần.

– Sau thông báo của Bộ Tài chính Nhật Bản, giá yên chiều nay đã tăng 2,3% so với USD, lên 140 yên đổi một USD.

– Dù vậy, nhiều nhà phân tích nghi ngờ hiệu quả của hành động mang tính đơn phương này và cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng của BoJ sẽ không thể tiếp tục được lâu trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh trên toàn cầu.

• Ấn Độ gia hạn xuất khẩu gạo tấm tới hết tháng 9

– Trước đó, ngày 8/9, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và cho phép xuất các lô gạo đã hoàn tất mọi thủ tục đến ngày 15/9. Trong thông báo mới, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ nêu rõ các lô hàng gạo tấm này được phép xuất khẩu theo thông báo ngày 8/9 đã được gia hạn xuất khẩu cho đến ngày 30/9.

– Ngày 8/9 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu khác nhằm tăng nguồn cung và ổn định giá gạo trong nước.

– Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ sẽ khiến giá lương thực toàn cầu leo thang và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực trên thế giới, trong bối cảnh giá lương thực đối mặt với sức ép gia tăng do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, hạn hán và nắng nóng.

– Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia, chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Năm ngoái, xuất khẩu gạo của Ấn Độ chạm mốc kỷ lục 21,5 triệu tấn, cao hơn số gạo xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sau quốc gia này cộng lại, gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % từ 23/9

– Ngày 22/9/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các Quyết định số 1606/QĐ-NHNN và Quyết định số 1607/QĐ-NHNN điều chỉnh một số mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.

– Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn là 5,0%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ.

– Lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ.

– Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng 1%/năm lên 6,0%/năm.

– Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm.

– Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm % lên 5%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• TCM: Lãi sau thuế 8 tháng đạt gần 192 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ

– Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) công bố doanh thu tháng 8 đạt 19,4 triệu USD (~ 458 tỷ đồng), tăng 85% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 1,4 triệu USD (~ 33 tỷ đồng), cải thiện mạnh so với mức lỗ 282.000 USD (~ 6,6 tỷ đồng) tháng 8 năm ngoái. Doanh thu tháng 8 đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 77%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 7%.

– Kết quả kinh doanh tháng 8 có sự tăng trưởng ấn tượng do cùng kỳ năm trước, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, công ty thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và bị lỗ.

– Lũy kế 8 tháng, doanh thu đạt 127,7 triệu USD (~ 3.024 tỷ đồng), tăng 20%; lãi sau thuế 8,1 triệu USD (~ 191,8 tỷ đồng), tăng 47,6%. Doanh nghiệp thông tin chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí xăng dầu và chi phí logistic tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022. Dù vậy, công ty đã gia tăng năng suất và cắt giảm chi phí để đạt kết quả kinh doanh khả quan. Đơn vị thực hiện được khoảng 72% kế hoạch doanh thu năm và 75% kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau 8 tháng.

– Về tình hình đơn hàng, tính đến tháng 9, công ty đã nhận đủ đơn hàng cho quý III, nhận khoảng hơn 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV và bắt đầu nhận một số đơn hàng cho quý I/2023.

• IPA: Triển khai chào bán 214 triệu cổ phiếu, muốn tăng vốn điều lệ lên gấp đôi

– CTCP Tập đoàn I.P.A (HNX: IPA) đã thông qua việc triển khai chào bán cổ phiếu ra công chúng theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên.

– Theo đó IPA dự kiến phát hành hơn 213,8 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 2.138 tỷ đồng. Thời gian phát hành trong năm 2022 hoặc 2023 sau khi được sự chấp thuận của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Sau phát hành IPA sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt 4.276 tỷ đồng.

– IPA cũng đã công bố phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo đó công ty sẽ dùng 1.600 tỷ đồng để mua cổ phần của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX:PTI); 200 tỷ đồng đầu tư vào các sản phẩm tài chính an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường vốn để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng vốn; và 338 tỷ đồng để tái cơ cấu tài chính đối với các khoản vay/nợ, thanh toán các khoản vay/nợ và các khoản phải trả, các khoản nợ lãi trái phiếu và trả nợ gốc trái phiếu

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 22/9/2022, VNINDEX mở gap giảm 10 điểm trong đầu phiên sáng và đã có lúc về tới mốc 1.196 điểm bởi thông tin từ việc FED tăng lãi suất cơ bản trong tháng 9 thêm 0,75% và NHNN được Thủ tướng yêu cầu xem xét nâng lãi suất điều hành. Nhưng đến phiên chiều, sự gia tăng bất ngờ của lực mua đã giúp VNINDEX hồi phục và đóng cửa tại mốc 1.214,7 điểm, tăng hơn 4 điểm (0,34%).

– Về độ rộng thị trường, bên mua chiếm ưu thế hơn với 254 mã tăng/204 mã giảm. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, đạt 11.666 tỷ đồng.

– Đóng góp vào đà hồi phục ở cuối phiên của VNINDEX đến từ cổ phiếu GAS (+0,968 điểm), BID (+0,512 điểm) và GVR (+0,354 điểm). Ngược lại, tác động tiêu cực đến thị trường là VCB (-1,077 điểm), MSN và VHM giảm quanh 0,7 điểm.

– Trong phiên hồi phục của thị trường, chỉ ghi nhận 2/10 nhóm ngành giảm điểm nhẹ gồm Tiêu dùng thiết yếu và Năng lượng (giảm dưới 0,4%). Trong khi đó, Dịch vụ tiện ích (+1,6%) và Công nghiệp (+1,35 điểm) tăng tốt nhất. Các nhóm ngành khác tăng dưới 1%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (2.530 tỷ đồng), Bất động sản (1.847 tỷ đồng) và Công nghiệp (1.778 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên hôm qua đi ngược với đà hồi phục của thị trường khi tiếp tục nâng giá trị bán ròng lên hơn 482,63 tỷ đồng, bị bán mạnh nhất là NLG (-107,96 tỷ đồng), BCM (-94,97tỷ đồng) và KDH (-78,74tỷ đồng). Chiều mua ròng có HPG (+45,22 tỷ đồng), FRT (+19,26 tỷ đồng) và VIC (+12,76 tỷ đồng).

– Khi NINDEX giảm xuống dưới mốc 1.200 điểm, lập tức đã có dòng tiền bắt đáy tham gia, tuy nhiên thanh khoản những phiên gần đây vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý thận trọng nhất định của nhà đầu tư.

– Nhà đầu tư nên lựa chọn kỹ những mã cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu của lực bán và giải ngân với tỷ trọng nhỏ để theo dõi. Hạn chế mua đuổi theo những mã cổ phiếu bật tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp.