**CTG – Trở lại đường đua**

CTG – Trở lại đường đua

Quan điểm đầu tư

  • Tiềm năng tăng trưởng ngành bảo hiểm còn lớn trong giai đoạn tới
  • Kế hoạch duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2% khả thi
  • Mua lại trước hạn toàn bộ nợ xấu từ VAMC
  • CTG chính thức áp dụng Basel II từ năm 2021
  • Triển vọng tăng vốn trong giai đoạn 2021-2025 sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn

1. Tổng quan doanh nghiệp

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) được thành lập từ năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động và kinh doanh vốn, và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan. VietinBank chính thức hoạt động theo mô hình ngân hàng cổ phần từ năm 2009 và được niêm yết và giao dịch trên HOSE cũng trong năm 2009. CTG nằm trong nhóm 3 ngân hàng Thương mại Quốc doanh có sở hữu vốn nhà nước trên 50% bao gồm: CTG, VCB, BID. Tính đến 4Q/2020, CTG có quy mô tổng tài sản đứng thứ 2 toàn hệ thống các ngân hàng niêm yết, đạt 1.34 triệu tỷ VND, xếp sau BID. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng giữ ở mức 1,2%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) >9% trong khi các chỉ số ROA và ROE lần lượt đạt 1% và 13.1%.

2. Cơ cấu cổ đông

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 64.46% cổ phần, tiếp sau đó là đối tác chiến lược MUFG Bank nắm giữ 19.73%. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài của CTG tính tới thời điểm cuối năm 2020 đạt 28.9%.

3. Thị phần

CTG có thị phần tín dụng & huy động đứng thứ 2 hệ thống các ngân hàng niêm yết với 17.4% thị phần tín dụng và 16.6% thị phần huy động, đứng sau BID. Thị phần của 3 ngân hàng Thương mại Quốc doanh lớn hơn tổng thị phần của các ngân hàng Thương mại còn lại.

4. Tổng tài sản - Vốn chủ sở hữu

CTG có tổng tài sản đạt 1.341 triệu tỷ VND, đứng thứ 2 toàn hệ thống, xếp sau BID đạt 1.517 triệu tỷ VND. Quy mô tài sản nhóm 3 ngân hàng Thương mại Quốc doanh (trung bình đạt 1,3 triệu tỷ VND) vượt xa nhóm các ngân hàng thương mại còn lại (trung bình đạt 300 nghìn tỷ VND).

Vốn chủ sở hữu của CTG đạt 83,395 tỷ VND, đứng thứ 2 toàn hệ thống sau BID đạt 98,859 tỷ VND. CTG nằm trong nhóm các ngân hàng sử dụng đòn bẩy cao với tỷ lệ VCSH/tổng tài sản ở mức thấp, chỉ đạt 6.4% so với trung bình toàn hệ thống đạt 8.5%.

5. Mô hình kinh doanh

5.1. Cơ cấu tín dụng

  • CTG có dư nợ cho vay khách hàng lớn thứ 2 hệ thống với phân khúc khách hàng doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất là 58% (2019). CTG, BID, VCB với lợi thế nguồn vốn giá rẻ, tập trung đẩy mạnh phân khúc cho vay doanh nghiệp với tỷ trọng vượt trội so với nhóm các NHTMCP
  • Chuyển dịch mạnh mẽ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhà nước sang nhóm khách hàng cá nhân

5.2. Cơ cấu huy động

  • Tổng lượng tiền gửi khách hàng đứng thứ 3 hệ thống. Tỷ lệ CASA đạt 19.3%
  • Tỷ lệ tiền gửi doanh nghiệp/tổng tiền gửi đứng thứ 4 toàn hệ thống

5.3. Cơ cấu thu nhập

  • NII/TOI 2020 đạt 78.6%, cao hơn VCB, BID và trung bình nhóm NHTMCP
  • Xu hướng tập trung hơn vào thu nhập ngoài lãi

6. Kết quả kinh doanh – tình hình tài chính

  • Năm 2020, LNST đạt 13,741 tỷ VND, tăng 45.0% YoY
  • Tăng trưởng tín dụng 4Q2020 đạt 5.2% QoQ và 7.8% YTD
  • Tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với tổng dư nợ tín dụng, chỉ đạt khoảng 1.2% cho thấy CTG vẫn đang tập trung phân khúc cho vay truyền thống.
  • NIM 2020 duy trì ổn định ở mức 2.94%
  • Tỷ lệ nợ xấu đạt 0.94%, thấp nhất trong 5 năm gần đây
  • Tỷ lệ NPL giảm mạnh nhờ viêc phân loại lại nợ nhóm 3, hoàn nhập dự phòng gần 2,500 tỷ.
  • Mức độ trích lập và xử lý nợ xấu của CTG không có đột biến so với năm 2019.
  • Năm 2019 và 2020, CTG đẩy mạnh cắt giảm chi phí nhân sự và chi phí cho các hoạt động quản lý công vụ, khiến tỷ lệ CIR giảm khá mạnh sau khi duy trì ở mức nền cao trong giai đoạn 2015-2018.

7. Điểm nhấn đầu tư

  • Tiềm năng tăng trưởng ngành bảo hiểm còn lớn trong giai đoạn tới

Doanh thu phí Bancasurance có CAGR 4 năm đạt 66.2%. 9M2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập người dân giảm sút khiến khả năng tiếp cận các gói bảo hiểm sụt giảm nhưng doanh thu phí Bancasurance vẫn duy trì tăng 6.7% YoY. Theo quan điểm của tôi, tiềm năng tăng trưởng của ngành bảo hiểm trong giai đoạn tới còn rất lớn dựa trên: (1) Nhận thức nâng cao về mức độ rủi ro sau khi dịch Covid-19 diễn ra; (2) Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu bảo hiểm tăng cao.

CTG kí thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife, kì vọng là động lực chính cho tăng trưởng Thu nhập ngoài lãi trong các năm tới. Nhóm SOCBs gia nhập vào hoạt động bancasurance khá muộn so với các ngân hàng khác.

Trong khi doanh thu phí bảo hiểm toàn hệ thống ghi nhận 9,939 tỷ VND năm 2019 thì doanh thu phí bảo hiểm của Vietin vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ đóng góp khoảng 2% vào thu nhập phí ngoài lãi. Ngày 14/12/2020, CTG kí thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với đối tác Manulife trong thời hạn 16 năm. Manulife là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên có vốn nước ngoài đầu tiên được phép hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 1999 với 50,000 đại lý và 1 triệu khách hàng. Với hệ thống chi nhánh lớn dẫn đầu cả nước, tôi kì vọng mảng Bancasureance sẽ có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng Non-NII 2021 với phí trả trước (upfront fee) và phí giao dịch hàng năm.

  • Kế hoạch duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2% khả thi nhờ: (1) tỷ lệ nợ tái cơ cấu/tổng dư nợ thấp; (2) dự thảo sửa đổi thông tư 01 theo hướng có lợi cho các ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại NHNN và Bộ Tài Chính đang thống nhất trình dự thảo sửa đổi thông tư 01 theo hướng giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được lãi suất bình thường tuy nhiên các ngân hàng phải trích lập dự phòng đúng với bản chất của khoản nợ. Lộ trình trích lập sẽ diễn ra trong 3 năm tính từ năm 2021 để tránh những cú sốc về lợi nhuận cho các ngân hàng. Tính đến 31/12/2020, nợ tái cấu trúc của CTG đạt 6.4 nghìn tỷ VND, tương đương 0.63% tổng dư nợ cho vay khách hàng (bao gồm 5,000 tỷ VND dư nợ gốc và 1,400 tỷ VND dư nợ lãi), thấp hơn so với nhóm 4 ngân hàng tư nhân đứng đầu (TCB, VPB, MBB, ACB) là 4.2% - số liệu 3Q2020 cho thấy ảnh hưởng của dịch đến CTG là hạn chế hơn so với các ngân hàng tư nhân. CTG có thể sẽ hoàn thành kế hoạch duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, trích lập dự phòng vẫn ở mức cao tuy nhiên sẽ không có đột biến nhờ tệp khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch ít và dự thảo sửa đổi thông tư 01 theo hướng có lợi cho các ngân hàng.

  • Mua lại trước hạn toàn bộ nợ xấu từ VAMC

Cuối năm 2018, CTG đã bán 13,427 tỷ VND nợ xấu cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, đáo hạn vào tháng 12/2023 theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của NHNN. Đến tháng 10/2020, bằng các biện pháp xử lý nợ kết hợp với đẩy mạnh trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC, CTG đã tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC. Việc tất toán toàn bộ đem lại cho CTG: (1) được phép chia cổ tức tiền mặt. Theo thông tư 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt VAMC không được chia cổ tức tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán nhằm tạo nguồn để xử lý nợ xấu. ngay sau khi tất toán trái phiếu VAMC, CTG quyết định chia cổ tức tiền mặt 5%; (2) Chủ động hơn trong việc phân loại và xử lý nợ xấu để đạt hiệu quả tối ưu, giảm áp lực trích lập dự phòng trong năm 2021 do đã trích lập toàn bộ trong năm 2020.

Nợ xấu phát sinh mới tăng mạnh trong 1Q2020 và 3Q2020 do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, CTG đã tiến hành phân loại lại nợ trong 4Q2020 khiến nợ xấu giảm mạnh.

Theo tôi, bước sang năm 2021, nhiều khả năng nợ xấu phát sinh mới sẽ tiếp túc duy trì ở mức cao từ 3,000 tỷ - 4000 tỷ VND, khiến CTG sẽ phải duy trì bộ đệm dự phòng lớn.

  • CTG chính thức áp dụng Basel II từ năm 2021

Trong 4Q2020, CTG đã thông qua việc chi trả cổ tức tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 5%, đồng thời thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017, 2018 với tỷ lệ 28,7899%, nâng vốn điều lệ từ 37,234 tỷ VND lên 47,953 tỷ VND. Đồng thời, CTG đã có công văn gửi NHNN đăng kí áp dụng CAR Basel II. (Thông tư 41) từ 01/01/2021 thay vì áp dụng hệ số CAR Basel I (thông tư 22). Việc áp dụng theo Basel 2 mang lại cho CTG: (1) tăng tính minh bạch, các nhà đầu tư, đối tác, người gửi tiền có điều kiện để giám sát, đồng thời tạo điều kiện cho CTG có chính sách quản trị rủi ro phù hợp; (2) mối quan hệ với các tổ chức nước ngoài thuận lợi hơn. Basel 2 là chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng của ngân hàng trên phương diện quốc tế, là yếu tố tích cực để nâng hạng mức tín nhiệm, qua đó thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý.

  • Triển vọng tăng vốn trong giai đoạn 2021-2025 sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn

Nghị định 121/2020 bổ sung nhóm ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vào danh mục các doanh nghiệp được nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, qua đó mở hành lang pháp lý cho CTG có thể tăng vốn mà không làm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước. Phát hành mới tăng vốn điều lệ và VCSH là phương án tốt nhất để CTG cải thiện hệ số CAR, qua đó tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Trước sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm NHTMCP, thị phần của nhóm Ngân hàng Quốc doanh, đặc biệt là CTG giảm từ 21.3% năm 2015 xuống còn 17.7% tính đến 3Q2020.

CTG hiện được giao dịch ở mức P/B là 1.62, thấp hơn so với 2 ngân hàng quốc doanh là VCB (3.75) và BID (2.21) và thấp hơn so với trung bình các ngân hàng TMCP top đầu (1.76). Với việc là ngân hàng quốc doanh có lợi thế về chi phí vốn, hệ thống chi nhánh rộng khắp cả nước, cùng với triển vọng tích cực từ việc áp dụng Basel II và kế hoạch tăng vốn cũng như áp lực trích lập dự phòng là không quá lớn trong năm 2021 nếu so sánh tương quan với các ngân hàng khác, tôi cho rằng CTG xứng đáng được giao dịch ở mức P/B tương đương so với BID, là ngân hàng quốc doanh có quy mô vốn chủ khá tương đồng nhưng có mức ROE thấp hơn so với CTG.

8. Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2021

  • Dự phóng tăng trưởng tín dụng đạt 8.0% trong năm 2021 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ để hồi phục sau dịch Covid-19
  • Ước tính NIM 2021 giảm 2 bps YoY, đạt 2.92% với giả định CTG sẽ đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp.
  • Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32.6% YoY với động lực từ phí trả trước hợp đồng bancasurance.
  • Năm 2021, NPL tăng lên 1.7% khi các khoản nợ xấu xuất hiện rõ nét hơn sau 1 năm chống trọi với dịch Covid-19.
  • Chi phí trích lập dự phòng dự kiến vẫn ở mức cao trong năm 2021, đạt 13,202 tỷ VND để đảm bảo bộ đệm dự phòng cho nợ xấu mới phát sinh.
  • Dự báo LNST năm 2021 đạt 14,841 tỷ VND, tăng 8.0% YoY
2 Likes

khá chi tiết

ngày xưa CTG mới sàn, chết cười với lão Hùng chủ tịch, hay gọi là hùng nổ

thế mà nhằng cái chục năm rồi

1 Likes

giờ Bình chủ tịch, Thọ Tổng giám đốc., Thọ hình như lính của hùng ngày xưa

Bình xuất thân từ dân quản lý quỹ mà, không biết có nên cơm cháo gì không nhưng đánh giá là giỏi
Thắng TGD cũ kỵ với Thọ, nên điều chuyển sang Bí thư quảng ninh rồi

Thắng đỉnh cao mà , dân chính trị, về bí thư QN để lên mục tiêu cao hơn, nghe nói là lên T.Đốc ngân hàng đấy

Thọ mít, dân phú thọ, UVTW Đảng xem có dẫn dắt đi lên mạnh ko

bài viết chia sẽ xúc tích quá hay

1 Likes

CTG sang tuần lại phi mã

1 Likes

Lại đua hả em :slightly_smiling_face:

bác đã lên tàu chưa?

Đang chờ để đua thứ hai em ơi

Đảm bảo năm nay có giá 6x!

thốn quá chốt sớm quá

Tiến lên 6x nàooo