Dự báo giá dầu trong những tháng cuối năm 2022

Chưa đầy một tháng nữa (tức ngày 5/12), Liên minh châu Âu sẽ áp dụng lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển. Do đó, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt đáng kể, vì Nga là nước xuất khẩu dầu và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Thị trường dầu đang chuẩn bị cho viễn cảnh đó.

Dự báo giá dầu trong những tháng cuối năm 2022

Reuters cho biết, những quỹ đầu cơ đang bắt đầu mua dầu với sản lượng lớn từ thị trường kỳ hạn. Thật vậy, vào tuần trước, lượng mua vào đã đạt mức 22 triệu thùng đối với dầu Brent và 15 triệu thùng đối với dầu WTI.

Theo số liệu mới, Ấn Độ đang mua dầu thô Nga với giá chiết khấu. Mặt khác, vào tháng 9, Ấn Độ đã giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu Trung Đông xuống mức thấp nhất trong 19 tháng. Như vậy, sau Iraq, Nga đã vượt qua Ả Rập Xê-út và trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai của Ấn Độ.

Tương tự, Trung Quốc cũng đang mua dầu của Nga. Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dừng mua một khi lệnh cấm vận của châu Âu sẽ đi vào hiệu lực, cũng như khi G7 chính thức áp dụng lệnh áp trần giá dầu thô. Trên thực tế, Trung Quốc đã tuyên bố rằng quốc gia này sẽ không điều chỉnh xu hướng mua dầu để thích ứng với những chính sách trên.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận của EU và lệnh giới hạn giá của G7 chắc chắn sẽ kéo giá dầu lên rất cao vào cuối năm nay. Điều đáng lo ngại hơn, nhiên liệu, nhất là dầu diesel, sẽ trở nên đắt hơn khi nguồn cung dầu thô trở nên thắt chặt và các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động.

Tình hình nhiên liệu cũng sẽ trở nên phức tạp hơn vào tháng 2/2023, khi lệnh cấm vận nhập khẩu nhiên liệu Nga của EU đi vào hiệu lực. Hiện tại, theo báo Wall Street Journal, EU nhập khẩu khoảng 400.000 thùng dầu diesel/ngày từ Nga, cũng như 1,7 triệu thùng dầu diesel/ngày từ những nhà cung cấp khác. Như vậy, EU phải tìm cách thay thế 400.000 thùng dầu từ ngày 5/2/2023, gây nguy cơ thúc đẩy lạm phát cao hơn.

Thật vậy, ông Benedict George – chuyên gia định giá dầu diesel tại công ty thông tin năng lượng Argus Media (Anh) cho biết: “Châu Âu sẽ trả bất kỳ giá nào mà những nhà sản xuất đề ra và giá sẽ rất, rất cao. Đã vậy, nếu xảy ra vấn đề ngoài dự tính, giá sẽ tăng rất cao và với tốc độ chóng mặt vì ta không có bất kỳ phương tiện nào để chữa cháy”.

Chưa kể, tồn kho sản phẩm chưng cất dầu mỏ đang đạt mức dưới trung bình ở tất cả khu vực, nhất là Mỹ - một nhà xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ lớn khác của EU. Như vậy, giá cả sẽ tiếp tục duy trì mức cao vì chỉ còn Trung Đông và Trung Quốc sẽ lọc dầu với mức rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu về nhiên liệu diesel vẫn mạnh hơn bao giờ hết vì thế giới cần loại nhiên liệu này để vận chuyển hàng hóa.

Mặt khác, theo một nhà phân tích dầu mỏ của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global, châu Âu có thể tăng nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ và Trung Quốc, đồng thời giảm xuất khẩu sang Nam Mỹ và châu Phi. Tuy đây là một cách đối phó, nhưng cách thức này sẽ gây ra hiệu ứng gợn sóng trên hai lục địa.

Ngoài ra, thị trường cần xem xét đến khả năng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong lần họp tới.

Một số dự đoán cho rằng lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ khiến nguồn cung toàn cầu giảm thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày.