Gà chạy nhiều cũng đã chắc chân

Ngày tôi mới bước vào thị trường chứng khoán, lại không phải nhà đầu tư lớn hay chuyên nghiệp, chính vì vậy, tôi có những lúc không khác gì gà. Trước khi bước chân vào chứng khoán tôi cũng tìm hiểu và có những phương hướng nhất định để không lầm được lạc lối. Vậy mà vẫn bị lùa bởi tin tức, nhận định, … Rồi tôi tiếp thu những việc cắt lỗ, chốt lời, … dần dần thành lướt chứng. Tổng kết lại sau hơn 1 năm lướt thì lợi nhuận chẳng đạt được bao nhiêu, còn may là chưa lỗ.
Sau một thời gian suy nghĩ và định hướng lại, Gà tôi đã bắt đầu chắc chân.

  1. Tôi xác định đầu tư là phải lâu dài, không thể một bước lên tận trời cao.
  2. Khoản tôi đầu tư là của để dành, nên tôi không sợ phải rút khi có việc bất ngờ phải dùng đến.
  3. Tỉ lệ phân bổ của tôi:
  • 7 phần tôi dồn vào mã cổ phiếu tốt (các chỉ số, các báo cáo phân tích chứng khoán, lịch sử cổ phiếu,…), Tôi chỉ có thêm chứ không bớt.
  • 2 phần tôi dành cho đầu tư theo thị trường/ chu kỳ kinh tế, có khi tôi nộp thêm tiền để tăng phần này, khi chốt xong thì tôi rút ngay phần gốc về ngân hàng. Phần lãi thì tôi để trong tài khoản chứng khoán, khi có cơ hội mua vào thì dùng cho việc đầu tư mã cố định trên hoặc mã khác cũng tốt
  • Phần còn lại tôi lướt để thỏa mãn những nhận định của mình, bất di bất dịch, Có lúc sấp mặt, có lúc lợi nhuận có thể cao nhưng tôi vẫn không tăng phần vốn này. Đôi lúc tôi lướt trên chính cổ phiếu đầu tư lâu dài.
    Nhìn lại kết quả thì tài khoản thì tỉ lệ sinh lời tốt hơn gửi ngân hàng, có năm thuận lợi thì tốt hơn cả mua bán bất động sản.
    Có những lúc tổng kết năm xong, tôi đem so sánh với những cổ phiếu tốt khác. Có những cổ phiếu sau 5 năm hay 10 năm thì đã gấp 20-30 lần, có thể hơn mà tôi chưa biết và đương nhiên nó trải qua bao sóng gió của thị trường.
22 Likes

Những lúc lướt thành công thì trí tưởng tượng lên tận mây xanh, chẳng mấy chốc mình thành đại gia, rồi cứ nhẩm tính trong đầu tài khoản mình nhân lên mỗi ngày. Tiền cứ thế dồn thêm vào, chưa có lương thì vay mượn chỗ này chỗ kia… Niềm vui chẳng được bao nhiêu, chưa tròn trong một tháng của năm 2010, chạy không chạy được, thôi thì đành bỏ tài khoản chạy lấy người. Sau vụ này một thời gian dài tôi không còn gì kể cả bạn gái, năm 2012 tôi mới chính thức trở thành nhà đầu tư không chuyên lâu dài với chiến lược rõ ràng và kiên định. Một lần rắn cắn, ngàn năm sợ dây thừng. Tháng 4 vừa rồi, có bạn rủ tôi chiến lại mã ngày xưa ấy. Tôi nhất quyết từ chối. Bạn ấy thuyết phục tôi rằng, nó giờ lớn rồi, không chơi kiểu ngày xưa đâu, nó mới phát hành thành công hơn 70 triệu, công ty tang trưởng,… kiểu gì năm nay cũng lên 2x-3x và tôi sẽ chốt lời giá 24-26. Đâu đó tôi vẫn đọc được những ý kiến, công ty to là sẽ đoàng hoàng, không, tôi không tin điều đó. Đến đoán chẵn hay lẻ còn có nhiều người thua nữa là … Ai đầu tư thì nên chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, kiến thức, chiến lược,… chọn được cổ phiếu và thời điểm mua vào và nắm giữ, gia nhập lúc nào cũng được, không bao giờ là quá muộn.

11 Likes

Sẽ có thắc mắc là tôi có bán cp trong danh mục đầu tư lâu dài khi được giá không? Tôi chưa bán lần nào, vì doanh nghiệp tôi đầu tư tăng trưởng đều đặn và chưa có dấu hiệu chững lại. Tiền cổ tức tôi dành lúc nào giá hợp lý, chiết khấu nhiều thì tôi mua thêm. Cổ tức cổ phiếu cũng vẫn giữ chứ không bán. Một minh chứng đơn giản, cuối năm vừa rồi, tôi tổng kết vốn đã gấp hơn 12 lần, với thị giá bây giờ thì đã gấp hơn 25 lần

7 Likes

Với số tiền đầu tư sóng ngành/ chu kỳ kinh tế, tôi chưa bao giờ vào tiền quá 2 lần / năm, mỗi lần tôi luôn chốt lời trước 15%, có khi thấp hơn hoặc cao hơn vài ba %. Đôi lúc nhận định có thể thêm nữa nhưng tôi luôn chế ngự lòng tham lại.

6 Likes

Còn phần lướt sóng những lúc chưa có kế hoạch gì, tôi không cắt lỗ, chỉ chốt lời sớm, 3% hay bất cứ điểm nào thấy lợi cao hơn. Số tiền lướt sóng này tôi chưa bao giờ lướt trên 30tr

3 Likes

Sự phát triển bền vững là một mô hình xoắn trôn ốc. Thị trường chứng khoán hay giá cổ phiếu cũng vậy. Mỗi chu kỳ đều có đi lên rồi đi xuống, chu kỳ mới xuất hiện với tính kế thừa, lặp lại nhưng ở mức độ cao hơn, nhân tố mới sẽ thay thế và nhân tố tích cực ở chu kỳ cũ được giữ lại. Vì vậy, khi đầu tư trên thị trường chứng khoán, thị trường đi xuống là lúc chúng ta đánh giá loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, thị trường đi lên thì ai cũng là người chiến thắng nên vàng thau lẫn lộn. Những lúc thị trường xuống là lúc tôi ngồi lọc cổ phiếu để chọn ra cổ phiếu để theo dõi, để chọn được một cổ phiếu tốt, tôi thu thập và đánh giá các nhân tố chính sau:

  1. Cổ đông chính và ban lãnh đạo: Trình độ, tâm huyết, đạo đức của họ => Tính bền vững của công ty

  2. Lịch sử phát triển của công ty

  3. Cổ tức qua các năm: Cổ tức tiền mặt và cổ phiếu thưởng => định lượng được sự kỳ vọng

  4. Đánh giá của các công ty chứng khoán: Tham khảo số liệu, nhận định,… => Định lượng được giá mua vào phù hợp

  5. Quá trình tăng vốn: xem có bất thường gì không

  6. Sự cạnh tranh của cổ phiếu công ty mình chọn với các công ty khác cùng ngành?

  7. Đầu tư nước ngoài vào công ty nếu có

  8. Xem xét báo cáo tài chính: Tôi không chuyên nên tôi không xem kỹ và phân tích chúng, tôi chỉ lướt để biết được cơ cấu sản xuất kinh doanh

  9. Thu thập thông tin và phân tích thông tin bên lề

  10. Vào tiền: Tôi không mua hết số tiền định đầu tư, tôi mua dần dần, lượng tiền khi vào lần đầu của tôi là 50% tiền đang có. Sau đó, cứ giá xuống hơn 7% thì tôi lại mua thêm một ít, giá lên thì tôi còn tiền sẽ chọn vùng chiết khấu tốt tôi vào. Đó là cách vào của tôi, còn bạn có cách vào của riêng bạn.

Vấn đề cốt lõi đã mua là nắm giữ khi đã chọn được cổ phiếu tốt, có thể bạn mua đúng lúc thời kỳ phát triển nhất từ trước tới giờ nhưng đó chưa phải là đỉnh. Một công ty tốt, bền vững thì sẽ sớm đưa bạn về những đỉnh tiếp theo.

10 Likes

Lúc thị trường xuống đáy như đầu năm 2020 thì tôi làm gì, tôi chẳng làm gì cả, tôi chưa bao giờ có ý định bán cổ phiếu lâu dài của tôi. Ý nghĩ bán đi để chờ giảm nữa mua lại có thể đúng nhưng tôi chọn cách đứng im. Chỉ bán khi công ty có dấu hiệu đi thụt lùi, những chính sách chiến lược có thể đưa công ty đến thất bại, đó là ý nghĩ, quyết tâm trong đầu tôi.
Tôi làm vậy là do tôi đã có kế hoạch đầu tư từ đầu, kế hoạch phân bổ tiền rõ ràng. Khoản đầu tư là khoản tôi không động vào dù nó như thế nào. Tôi phân bổ tiền trong cuộc sống của tôi theo khả năng của mình:

  1. Chi tiêu hàng ngày: Cố gắng tiết kiệm nhất có thể, không phải là tằn tiện. Theo dõi vài tháng và tôi có thể ước lượng được khoản tiền bao nhiêu cho việc này.
  2. Tiết kiệm cho con để phòng cho tương lai ăn học: Hàng tháng luôn có một khoản gửi vào tài khoản tiết kiệm và không rút bao giờ, chỉ có thêm vào. Tôi tùy chỉnh theo thu nhập, có lúc 3 triệu/ tháng / 1 con, có lúc nhiều hơn hoặc ít hơn, nhưng tháng nào tôi cũng nhập thêm vào tài khoản tiết kiệm này.
  3. Đầu tư: Tôi gửi ngân hàng khi chưa đầu tư gì.
  4. Dự phòng: Tôi hàng tháng vẫn phân bổ vào đây cho các sự việc bất ngờ có thể xảy ra, gửi ngắn hạn hàng tháng.
  5. Khoản báo hiếu: tôi luôn dành một phần thu nhập và tích góp lại, lúc nào tiện thì biếu bố mẹ đôi bên hoặc khi khám chữa bệnh cho bố mẹ thì mang ra dùng.
  6. Khoản khác: Dành cho tiếp đãi bạn bè, đi chơi,…
    Hiện tại tôi có bằng ấy mục, tôi chưa có ý định mua xe vì nó không cần thiết lúc này. Tôi luôn có gắng theo đúng kế hoạch của mình cho việc phân bổ này.
14 Likes

Con cái tôi đã trưởng thành, tìm đọc được bài của tác giả mà tôi như học sinh. Cảm ơn những chia sẻ!

3 Likes

Cho tôi hỏi mã bác đang nắm giữ là gì?

1 Likes

Sao lúc trc bỏ sót bài này của bác chủ thớt nhỉ, đọc nghe học hỏi dc nhiều. Cám ơn bác đã chia sẻ

2 Likes

Cháu cũng muốn chia sẻ mã nhưng thành ra không hay. Chú cố gắng phân bổ hợp lý thôi ạ, thời kỳ này nên vào tỉ trọng nhỏ thôi ạ. Đầu tư là lâu dài, chú đợi thời gian nữa rồi tăng tỉ trọng sau. Năm cháu làm lại thì cháu chờ ngày này qua ngày khác để vào, ròng rã cả năm chứ không phải hộc tốc đâu ạ. Chúc chú thành công.

3 Likes

Cảm ơn cháu. Cháu có gợi ý gì không? tôi đang đầu tư vài mã nhưng chưa có hiểu biết nhiều, nhiều thông tin quá nên không biết thế nào?

Cháu cũng không biết khuyên và gợi ý thế nào, cháu có vài điều muốn nói với chú rằng:

  1. Hãy dành thời gian nghiên cứu trước khi đầu tư, không nên nóng vội ạ, chú có thể vào một ít theo dõi cũng được;

  2. Chú không đứng núi này trông núi kia, nếu không là chú dễ bị xao động và bị nhiễu trong hành động của mình;

  3. Chú khi đầu tư mã nào thì hãy ghi lại giá từng đợt vào, tính ra giá hòa sau khi trừ thuế, phí… Như chúng cháu có máy tính làm cái đó tiện lắm;

  4. Chú không nên đầu tư dàn trải, chú hãy xác định ngắn hạn – trung hạn – dài hạn và có mục tiêu cho mình. Cháu trong đầu tư dài hạn chỉ có một mã, trung hạn 2 mã là nhiều, ngắn hạn 2 mã là nhiều. Chú hãy dành thời gian nhiều nhất cho mã dài hạn để chọn được mã đó và thường xuyên cập nhật tin tức và đánh giá nó. Sau đó, mã trung hạn thì chú hãy chốt lời theo mức mong muốn của chú (chú chốt bằng hoặc gấp đôi lãi ngân hàng là tốt lắm rồi, chú chốt xong thì đừng có ham nữa, hãy theo dõi thời gian bằng tháng / quý chứ phải bằng ngày hay tuần rồi tính tiếp). Ngắn hạn thì tùy mức độ mà bác chốt thôi ạ;

  5. Khuyến nghị bán và mua lại sau là một khuyến nghị năm ăn năm thua khi thị trường rung lắc. Chú hãy quan sát mấy phiên liền và tham khảo xu hướng thị trường rồi quyết định. Tất cả nằm trong tay chú, thắng thua là do chú quyết định;

  6. Chọn cổ phiếu nào thì như cháu đã nói ở trên trong bài này. Chú nên chọn ngành chú có hiểu biết nhiều nhất. Ngoài ra, chú cũng có thể chọn cổ phiếu lao dốc / tăng trưởng do dịch, tăng trưởng bất chấp dịch, nhưng chú hãy chú ý chọn cho Dài hạn – Trung hạn – Ngắn hạn và tuân thủ kỷ luật vào vốn.

Có nhiều khi chú đọc đâu đó thông tin lãi lần này lần kia, thực tế không dễ thế đâu ạ. Họ lãi bằng lần là cần rất nhiều thời gian và trải qua nhiều sóng gió.

Mục tiêu của cháu rất đơn giản, cổ phiếu đầu tư lâu dài thì cứ để đó, lúc nào có cơ hội ngon là cháu lướt trên chính nó và sút đi nếu chưa có ý định tăng tỉ trọng. Trung hạn thì cứ dao động 10-15% là cháu sút, một năm cháu làm vài lượt thôi ạ. Ngắn hạn thì cứ trên 3% sau khi trừ thuế phí là cháu sút. Ngắn hạn cháu phân bổ ít nên khi lỗ cháu vẫn giữ, khi nào có lãi cháu sút.

Dù là ngắn hạn hay trung hạn hay là lâu dài thì đều cần chú phải nghiên cứu và theo dõi rồi chọn ạ, chứ không nên chọn theo cảm tính hay phong trào.

6 Likes

Cảm ơn cháu. Vốn của cháu ban đầu bao nhiêu? giờ là bao nhiêu rồi? Chú không dám vào nhiều, mới dám vào 50 triệu. Thị trường cứ lên cứ xuống thì không biết bao giờ mới gấp đôi được chứ nói gì đến gấp nhiều lần?

Cháu biết gì thì nói thế thôi ạ. Vốn ban đầu khi bắt đầu làm lại thì cháu cũng có 70tr gì đó thôi ạ, cháu tích lũy và mua dần thì vốn là hơn 400tr ạ. Giá gốc của cháu giờ chỉnh theo nhật ký của cháu về gần 3 nghìn / cổ phiếu. Thị giá bây giờ thì cháu đang gấp hơn 20 lần sau 9 năm ạ. Thu nhập lương cháu gấp 7 lần so với 9 năm trước. So sánh thì đúng là may mắn và cũng là thành quả của kiên trì ạ. Thu nhập đầu tư cao hơn so với công việc chính.

Tài khoản càng lên cao thì sóng gió càng lớn và càng làm cho người đầu tư dao động ạ, dễ quyết định bán lắm. Đầu năm trước tài khoản cháu giảm khá nhiều nhưng cháu vẫn trụ vững, thành quả là vừa rồi gấp hơn 2 lần so với đáy năm trước.

6 Likes

Cảm ơn tác giả, từ ngày đọc bài của tác giả nên tôi chờ gần tháng nay. Mấy hôm nay đặt lệnh gom được một số mã, cầm cảm giác yên tâm. Thời gian chờ coi như đã thành công một nửa, giá như hồi đầu năm. Đúng là kiếm củi ba năm đốt một giờ. Tôi càng trân trọng sự tĩnh lặng của tác giả.

1 Likes

Cháu có hay theo dõi bảng điện không? Thế có ảnh hưởng đến công việc của cháu không? Chú cứ hay xem theo dõi và nhiều khi thấy mãi nó chẳng lên cũng buồn rồi ảnh hưởng công việc thời vụ.

Cháu ít theo dõi thôi ạ, lúc nào không có việc thì cháu vào xem diễn biến thế nào, chứ cháu không thường xuyên xem. Thường thì cháu cuối ngày mới xem thôi ạ. Có thời gian thì cháu xem nhiều hơn nhưng chỉ để quan sát thôi.

Khi thị trường rung lắc mạnh thì cháu đặt lệnh sẵn, cháu trải vài ba lệnh mua rồi vài ba lệnh bán nếu lướt, sau đó đi làm việc thôi. Ngồi xem làm gì cho hại mắt, ngứa tay ạ.

Chú biết đấy, như phiên hôm nay, mã cháu đang cầm mất gần 4%, đi hơn 300tr, không xác định trước thì dễ đặt lệnh bán lắm ạ. Cháu chỉ là con tép trong đại dương thôi, nhiều chủ doanh nghiệp, nhiều đại gia, nhiều quỹ,… họ có khối tài sản lớn gấp tỉ vài nghìn tỉ lần. Họ tập trung cho làm ăn, chứ đâu có theo dõi bảng điện để bán công ty hay sao?

Khi đầu tư thì chú hãy tập trung vào quản trị tài khoản của mình, theo dõi những mã chú đầu tư và quyết định gia tăng hay giảm tỉ trọng. Chú chọn cổ phiếu cơ bản tốt rồi thì cứ coi như mất đi 100 tr đi chẳng hạn, vất đó, nó lên xuống thế nào thì cứ kệ đó. Còn nếu chú xác định mua đi bán lại nhiều thì chú là người thiệt cả về thể chất và tinh thần cùng với tiền bạc.

Chú làm nông nghiệp cũng vậy thôi, chú trồng cấy có mùa có vụ, có vụ ngắn ngày, có vụ dài ngày, có loại cây ít năm, có loại cây nhiều năm. Rồi đến lúc thu hoạch liệu có giá như chú mong muốn hay không? Chú giải quyết sao? Hay giá nào chú cũng bán? Cháu đơn giản nghĩ là chú phải có cách chế biến, bảo quản để đến khi được giá chú mới bán. Chú đầu tư hãy chú trọng đến giá trị doanh nghiệp, họ sản xuất kinh doanh bền vững thì chú không lo gì cả.

Bố cháu cũng làm nông dân, khi thu hoạch thì thương lái ép giá, bán hôm trước thì hôm sau đã lên gấp đôi. Sau vài lần thì bố cháu biết cách ép của thương lái, bố cháu chuẩn bị các phương án bảo quản để đến khi nông dân vơi hàng bán thì mới bán. Khi đó thì giá tương đối tốt và ổn định.

Cháu không múa rìu qua mắt thợ được, chú hãy áp dụng nguyên lý công việc làm nông của chú sang chứng khoán thôi ạ.

5 Likes

Nhưng chú nghĩ cháu mua đi bán lại thì có phải ngon lắm chứ? Những lúc rung như thế này?

1 Likes

Cái này không ai dám chắc chú ạ, nếu dám chắc thì còn gì là thị trường nữa ạ? Cho nên quan trọng nhất là phải bớt tham, kỷ luật. Cháu nay đặt gần sàn nhưng mã cháu cầm chưa chạm đến, cháu cũng chỉ đặt phần nhỏ chơi chơi vậy thôi, chứ không dám đặt lớn. Khi sự việc xong rồi thì suy diễn thế nào cũng được. Vậy nên chú cần tuân theo kỷ luật chú đề ra. Không có tiếc nuối, không có tham lam. Chú cứ tham lam thì không vấp lần này sẽ vấp lần sau, lại thành công cốc.
Năm nay rung lắc nhiều, đã là lần thứ 3 rồi. Làm gì thì làm, chú hãy chừa cho mình đường thoát. Phân bổ vốn là một việc rất quan trọng. Cháu có lướt cũng không dám lướt nhiều, chỉ tầm 10% vốn đổ lại thôi và lướt trên chỉnh cổ mình cầm để có hàng thoát. Có nhiều phân bổ nhiều, có ít phân bổ ít, hãy bớt tham chú ạ.

3 Likes