HDG: Mảng năng lượng đóng góp lớn giúp lãi ròng quý II gấp 5 lần cùng kỳ; PC1 báo lãi ròng quý II giảm 81%;

, , , , , , , ,

BẢN TIN SÁNG NGÀY 04/08/2022
1. THÔNG TIN VĨ MÔ THẾ GIỚI

• Căng thẳng Mỹ – Trung đe dọa tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới

– Tối ngày 02/08/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, làm gia tăng quan ngại bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ – Trung Quốc

– Theo Bloomberg, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đang gia tăng áp lực lên một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.

– Eo biển Đài Loan là tuyến đường chính cho tàu bè di chuyển từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan về phía tây. Khoảng 48% trong số 5.400 tàu container đang hoạt động di chuyển qua eo biển Đài Loan trong 7 tháng đầu năm. Tuyến đường thủy này chiếm đến 88% lưu lượng. Nếu tàu thuyền có ý định chuyển hướng qua vùng biển Philippines, hải trình có thể kéo dài thêm vài ngày. Bên cạnh đó, eo biển Luzon còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bước vào mùa mưa bão ở Biển Đông.

– Các chuỗi cung ứng, vốn đã quay cuồng kể từ đại dịch, đang phải vật lộn để phục hồi sau hàng loạt sự kiện như chiến sự Nga – Ukraine hay các đợt phong tỏa của Trung Quốc. Sự ổn định của tuyến hàng hải này có vai trò đảm bảo nguồn cung quần áo, thiết bị gia dụng, điện thoại di động và chất bán dẫn toàn cầu.

– Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Do vậy, liên kết thương mại giữa các nước có khả năng đổ vỡ nếu phát sinh xung đột.

• Khủng hoảng nguồn cung năng lượng khiến nhu cầu than tăng mạnh

– Giá than đang tăng vọt và tiêu thụ than toàn cầu dự kiến sẽ quay trở lại mức kỷ lục đã đạt được gần 10 năm trước do tình trạng suy giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu tiếp tục diễn ra.

– Nguyên nhân chính của sự gia tăng liên tục nhu cầu về than là do thiếu hụt khí đốt khi EU quyết định giảm sử dụng khí đốt của Nga (do lệnh cấm vận liên quan đến xung đột tại Ukraine và hoạt động đáp trả của Nga thông qua cắt giảm nguồn cung). Do đó, tiêu thụ than ở EU dự kiến sẽ tăng 7% vào năm 2022, sau khi đã có mức tăng tới 14% vào năm ngoái. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu từ ngành điện, nơi than ngày càng được sử dụng nhiều hơn để thay thế cho sự thiếu hụt và giá tăng mạnh của khí đốt. Một số quốc gia EU đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy than mà trước đó dự kiến đóng cửa; đồng thời mở cửa trở lại các nhà máy đã đóng cửa hoặc nâng giới hạn giờ hoạt động để giảm tiêu thụ khí đốt”, báo cáo của IEA cho biết.

– Nếu tình trạng vẫn còn tiếp tục tiếp diễn thì nhu cầu về than có thể tăng hơn nữa trong năm 2023.

2.THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường lên 150% với hoạt động khai khoáng làm vật liệu xây dựng

– Nhằm khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông, tại Chỉ thị số 38/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (bao gồm chính sách phí) đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông.

– Về khung mức phí đối với khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường, tại Nghị định số 164/2016 được ban hành từ ngày 24/12/2016 quy định mức thu phí đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường, mức phí từ 1.000 đồng đến 7.000 đồng/m3. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm cả cát trắng để bảo đảm đồng bộ). Mức phí đề xuất từ 1.500 đồng đến 10.500 đồng/m3.

– Như vậy, nếu đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính được thông qua, các doanh nghiệp khai khoáng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ bị ảnh hưởng về doanh thu cũng như bị thu hẹp biên lợi nhuận.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• HDG: Mảng năng lượng đóng góp lớn giúp lãi ròng quý II gấp 5 lần cùng kỳ

– Tập đoàn Hà Đô (Hà Đô Group – HoSE:HDG) đã công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần đạt hơn 1.007 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng mạnh nhưng tốc độ chậm hơn doanh thu giúp biên lãi gộp được cải thiện lên gần 66% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 664 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Hà Đô lãi ròng 418 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

– Theo giải trình từ phía công ty, mảng năng lượng đóng góp chủ yếu cho kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu, mảng thủy điện, điện mặt trời và điện gió đóng góp lớn nhất với hơn 954 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu kinh doanh bất động sản giảm gần 39% về hơn 591 tỷ đồng.

– Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, Hà Đô ghi nhận gần 1.692 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 714 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.703 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được gần 46% kết hoạch doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận sau nửa năm.

– Với mảng bất động sản, HDG lên kế hoạch bàn giao dự án Hado Charm Villas – dự án trọng điểm của doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2023, đây sẽ là dự án mũi nhọn của HDG trong năm 2022 và đem lại đóng góp lớn cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

– Với mảng năng lượng, ban lãnh đạo Hà Đô cho biết, công suất dự kiến vào năm 2025 là 922 MW (tăng 208% so với 2021), được kỳ vọng tạo ra dòng tiền 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là tin tức tốt cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp khi có dòng tiền ổn định từ mảng năng lượng.

• SHB: Lãi trước thuế quý II tăng 72,2% so với cùng kỳ, nợ xấu tăng

– Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của SHB (HOSE: SHB), thu nhập lãi thuần ghi nhận 4.209 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động dịch vụ báo lãi 220,9 tỷ đồng, tăng 63,5%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 49 tỷ đồng, tăng 132%. Hoạt động khác báo lãi 246 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 76,8 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận lãi giảm 88,5% so với quý II/2021 xuống còn 28 tỷ đồng.

– Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý II đạt 2.621,4 tỷ đồng, tăng 72,2% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng báo lãi trước thuế 5.847 tỷ đồng, tăng 83,5%, so với cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch lợi nhuận năm.

– Tính đến hết 30/6, Tổng nợ xấu tăng 55,3% lên hơn 9.494 tỷ đồng, nợ nhóm 3 giảm 36,5% xuống còn 940 tỷ đồng. Trong khi đó nợ nhóm 4 tăng 189% lên hơn 4.628 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng gần 30% lên 3.926 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% đầu năm lên hơn 2,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 75,8% xuống còn 63,1%.

– Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận trước thế đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2021. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tổng dư nợ tín dụng tăng 14,4% lên 421.715 tỷ đồng, trong khi kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,3%. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9,8% lên 504.539 tỷ đồng

• PC1: Doanh thu giảm, chi phí tài chính tăng khiến PC1 báo lãi ròng quý II giảm 81%

– Tập đoàn PC1 (HOSE: PC1) công bố doanh thu thuần hợp nhất quý II đạt 1.518 tỷ đồng, giảm 49,2% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 81% xuống 63 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu giảm 34% xuống 2.996 tỷ đồng, lãi ròng giảm 52% xuống 196 tỷ đồng.

– Công ty bị giảm mạnh doanh thu ở mảng xây dựng và thiết bị ngành điện từ 2.082 tỷ đồng xuống 646 tỷ đồng, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng giảm từ 198 tỷ xuống 92,6 tỷ đồng, bán hàng hóa và vật tư giảm từ 506 tỷ đồng xuống 281 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực điện tăng mạnh doanh thu từ 195 tỷ đồng lên 465 tỷ đồng.

– Doanh thu tài chính giảm 94% xuống 16 tỷ đồng do không có khoản lãi đánh giá lại khoản đầu tư khi tăng vốn từ công ty liên kết thành công ty con 262 tỷ đồng.

– Chi phí tài chính gấp 2,8 lần lên 216 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng mạnh 83% lên 142 tỷ đồng (3 dự án điện gió đi vào vận hành làm phát sinh tăng chi phí lãi vay) và lỗ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại số dư cuối kỳ 72 tỷ đồng.

– Hoạt động liên doanh và liên kết giảm lãi từ 38 tỷ về 4 tỷ đồng. Hoạt động khác lỗ 14 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lãi 13 tỷ đồng.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch ngày 3/8/2022, chỉ số VNINDEX phiên sáng mở cửa trong sắc đỏ, chỉ số dao động quanh mốc tham chiếu thể hiện tâm lý giằng co giữa bên mua – bên bán. Đến cuối phiên chiều, lực cầu có sự gia tăng đến từ các cổ phiếu nhóm trụ đã kéo VNINDEX đóng cửa tăng hơn 8 điểm, chạm mốc 1.249,76 điểm (+0.66%).

– Về độ rộng thị trường, ưu thế vẫn nghiêng về phe mua khi có 269 mã tăng/182 mã giảm. Thanh khoản cải thiện hơn phiên trước, đạt 17.567,772 tỷ đồng.

– Bảo toàn cho đà tăng điểm chỉ số VNINDEX đến từ cổ phiếu trụ như: GAS (+1,84 điểm), HPG (+1,25 điểm), BID (+1,024 điểm). Chiều giảm điểm đến từ VHM (-0,661 điểm), VIC (0,579 điểm).

– Phiên hôm qua có 3/10 nhóm ngành giảm điểm nhẹ dưới 0,3% gồm Bất động sản, Công nghệ thông tin và Tiêu dùng. Ngược lại, Nguyên vật liệu hồi phục khác tốt (+3,22%), tiêu biểu là ngành thép có NKG và HSG tăng trần. Các nhóm ngành còn lại có mức tăng dưới 1%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính (4.338 tỷ đổng), Công nghiệp (2.580 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (2.944 tỷ đồng).

– Khối ngoại gia tăng mua ròng với giá trị đạt 652,99 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu HPG (174,23 tỷ đồng), VCB (112,07 tỷ đồng) và SSI (106,59 tỷ đồng). Chiều bán ròng, khối ngoại tiếp tục bán mạnh FUEVFVND (-171,21 tỷ đồng), ngoài ra có MSN (-34,59 tỷ đồng), KBC (-22,52 tỷ đồng).

– Thị trường đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp với thanh khoản tích cực, dòng tiền lan tỏa đều các nhóm ngành. Hiện VNINDEX đang tiệm cận vùng gap 1.260 – 1.280 điểm là vùng kháng cự quan trọng nên sẽ không tránh khỏi những phiên rung lắc, điều chỉnh. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đang ở gần vùng kháng cự, cân nhắc chốt lời với những cổ phiếu có dấu hiệu gia tăng của lực bán.