Lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu tôm chịu ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh chi phí vận chuyển gia tăng?

https://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=862502
Lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu tôm chịu ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh chi phí vận chuyển gia tăng?

Sau chuỗi bài phân tích chuyên sâu về hoạt động xuất khẩu tôm bao gồm: Tương quan giữa lợi nhuận với giá tôm thế giớiTương quan giữa tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp với tăng trưởng xuất khẩu ngành, chúng tôi tiếp tục đặt ra câu hỏi: chi phí bán hàng và lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào khi chi phí vận chuyển/xuất khẩu liên tục gia tăng?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi tiến hành quan sát mức độ tương quan giữa tỷ trọng chi phí bán hàng và biên lợi nhuận hoạt động của MPCFMC – 2 doanh nghiệp niêm yết xuất khẩu tôm đầu ngành.

Quan sát dữ liệu theo quý trong giai đoạn 2017 – Q1/2021, chúng tôi tìm ra khác biệt tương đối thú vị giữa 2 doanh nghiệp như sau:

  • MPC : tồn tại mối tương quan âm giữa chi phí bán hàng và biên lợi nhuận hoạt động, nghĩa là chi phí bán hàng càng tăng thì biên lợi nhuận hoạt động càng giảm.
  • FMC : tồn tại mối tương quan dương tức là khi chi phí bán hàng gia tăng, biên lợi nhuận hoạt động của FMC không những không giảm mà còn có thể được cải thiện.

Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt lớn nêu trên? Chúng tôi tiếp tục phân tích chuyên sâu chi phí bán hàng của 2 doanh nghiệp như sau:

Chi phí bán hàng bao gồm 3 loại chính: chi phí vận chuyển và lưu trữ; chi phí lương thưởng, hoa hồng; chi phí hoạt động khác như: công cụ dụng cụ, khấu hao … Trong đó, chi phí vận chuyển và lưu trữ thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như: chính sách giá từ nhà cung ứng dịch vụ, điều kiện kinh tế vĩ mô, điều kiện thị trường… là chi phí mà doanh nghiệp khó chủ động trong việc kiểm soát hơn so với 2 loại chi phí còn lại.

  • Quan sát Hình 2 cho thấy: tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu của MPC thường cao hơn so với tỷ lệ của FMC trong giai đoạn 2017-Q1/2021.
  • Quan sát Hình 3a và Hình 3b cho thấy: trong khi tỷ trọng chi phí vận chuyển và lưu trữ của FMC chỉ ở mức ~ 30%-40% tổng chi phí bán hàng, tỷ trọng của MPC luôn ở mức cao từ 65% - 80%. Đặc biệt trong Q1/2021, khi chi phí vận chuyển tăng mạnh trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, tỷ trọng của MPC lên đến 95% tổng chi phí so với mức 69% của FMC.

Chúng tôi đánh giá có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt lớn trong cấu trúc chi phí bán hàng của MPC và FMC bao gồm:

  • Về thị trường: FMC tập trung chính vào thị trường Châu Âu và Nhật Bản, trong khi MPC tập trung vào thị trường Mỹ. Do đó, chi phí vận chuyển của MPC có xu hướng luôn cao hơn so với FMC.
  • Về lưu trữ hàng tồn kho: MPC chi trả hàng năm khoảng 22% tổng chi phí bán hàng để thuê kho bãi, trong khi FMC vẫn đang khai thác tốt hệ thống nhà kho hiện hữu và ít chịu áp lực gia tăng chi phí lưu trữ hơn so với MPC.

Như vậy có thể thấy trong giai đoạn 2017-Q1/2021, mức độ tự chủ về chi phí bán hàng của FMC tương đối tốt và ổn định hơn so với MPC. [1]

Hơn thế nữa, như phân tích của chúng tôi trước đó trong bài Tương quan giữa tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp với tăng trưởng xuất khẩu ngành, hiện nay FMC có xu hướng tăng trưởng doanh thu tốt hơn so với MPC và trung bình ngành, qua đó, khả năng hưởng lợi từ việc gia tăng lợi ích cạnh tranh theo quy mô của FMC cũng được đánh giá tốt hơn so với các doanh nghiệp khác. [2]

Từ [1][2] chúng tôi cho rằng: việc hưởng lợi từ gia tăng quy mô doanh thu và mức độ tự chủ trong việc kiểm soát chi phí bán hàng của FMC tốt hơn so với MPC trong giai đoạn 2017-Q1/2021 là nguyên nhân sâu xa cho mối tương quan dương giữa chi phí bán hàng và lợi nhuận hoạt động của FMC và mối tương quan âm giữa hai yếu tố này của MPC.

Nhận định: từ các quan sát nêu trên, chúng tôi đánh giá chi phí bán hàng của FMC và MPC sẽ có xu hướng tăng trong bối cảnh áp lực chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao ở 6T cuối năm 2021, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng vào lợi nhuận hoạt động của FMC có thể sẽ ít hơn so với MPC.

Tham khảo các bài phân tích về kết quả kinh doanh gần nhất của FMC và MPC tại link:

FMC_Tăng trưởng doanh thu T7 2021 9%

MPC_Triển vọng kinh doanh 2021

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị CHỜ MUA đối với 2 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.