Mwg - ông hoàng bán lẻ

𝐌𝐖𝐆: 𝐋𝐀̃𝐈 𝐑𝐎̀𝐍𝐆 𝐐𝐔𝐘́ 𝟐 𝐆𝐈𝐀̉𝐌 𝐍𝐇𝐄̣

Trong quý 2, MWG báo doanh thu đạt hơn 34.3 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ cho giá vốn hàng bán (27 ngàn tỷ đồng, tăng 10%), Công ty đạt lợi nhuận gộp 7.34 ngàn tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính gần như đi ngang, giảm 2% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng ghi nhận tăng, lần lượt gấp 2.7 lần (360 tỷ đồng) và 14% (5.07 ngàn tỷ đồng). Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 58%, còn 500 tỷ đồng. Kết quả, Công ty báo lãi ròng giảm 7%, đạt 1.13 ngàn tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, MWG có doanh thu đạt 70.8 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Lãi ròng gần như đi ngang, đạt 2.57 tỷ đồng (0.9%). So với kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022, MWG thực hiện 51% kế hoạch doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chiếm 80.5% tổng doanh thu của MWG , tăng 17% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của Thế Giới Di Động đạt gần 19 ngàn tỷ đồng, còn Điện Máy Xanh là 38 ngàn tỷ đồng. Chuỗi Bách Hoá Xanh mang về 12.8 ngàn tỷ đồng (18.1%), giảm 4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng trong nửa đầu năm trước, doanh số của chuỗi cửa hàng này nhận được tác động tích cực từ đại dịch COVID-19.

Trong nửa đầu năm, MWG đã có động thái cắt giảm khá mạnh tay khi đóng cửa 251 cửa hàng Bách Hoá Xanh không đạt yêu cầu. Cuối quý 2, MWG còn vận hành 1,889 cửa hàng, và dự kiến đến cuối quý 3 chỉ còn 1,700-1,800 cửa hàng. Động thái cắt giảm mạnh những cửa hàng không đạt yêu cầu trong quý 2/2022, đồng thời tuyên bố không mở thêm cửa hàng trong năm 2022 có thể xem là nước cờ đánh đổi giữa việc gia tăng thị phần và đạt mục tiêu có lợi nhuận (Bách Hóa Xanh cho đến nay vẫn còn lỗ). Trong bối cảnh thị trường đang đầy bất ổn, một quá trình suy thoái đang đe đọa kinh tế toàn cầu thì việc lựa chọn lợi nhuận thay vì thị phần, doanh số để hấp dẫn các nhà đầu tư là chiến lược hợp lý.

Thời điểm 30/06/2022, tổng tài sản của MWG giảm 7.3%, còn 48.1 ngàn tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho giảm 913 tỷ đồng so với đầu năm, còn hơn 28.7 ngàn tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn giảm 13.6%, còn 36.8 ngàn tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận giảm ở khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và các khoản vay ngắn hạn.