[News] Bất động sản....Khu công nghiệp cập nhật mới nhất

, , , , , ,

Bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tín Nghĩa

Chiều 18/10, Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Hồng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tín Nghĩa (UPCoM: TID).

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch, ngày 17/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở đối với ba bị can.

Những người này gồm Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1964, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tín Nghĩa (nguyên Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch); Phan Thanh Vĩnh Toàn, sinh năm 1983, nguyên Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch và Đỗ Tấn Điềm, sinh năm 1962, nguyên thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch.

Các Quyết định và Lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Cơ quan điều tra thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hồng

Cơ quan điều tra thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Thanh Vĩnh Toàn

Cơ quan điều tra thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Tấn Điềm

Ngày 18/10, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng VKSND tỉnh Đồng Nai tổ chức thi hành Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ba người nêu trên.

Kết quả khám xét, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã thu giữ một số hồ sơ, tài liệu và dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ án.

Các bị can này được xác định giữ vai trò quan trọng trong việc cùng với đối tượng Quách Văn Đức (đã bị khởi tố bắt tạm giam) - nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch, thực hiện hành vi sử dụng tài sản công trái quy định của pháp luật gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

Hiện Công an tỉnh Đồng Nai đang tập trung điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, theo đúng quan điểm “Xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Ông Nguyễn Văn Hồng làm việc ở Tín Nghĩa từ năm 1993, qua thời gian công tác tại Tổng Công ty Tín Nghĩa, ông Hồng đã đảm nhiệm nhiều vị trí: Từ Phụ trách Kinh doanh; Giám đốc Nhà máy Gạch ngói Tín Nghĩa; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vật Liệu Xây dựng Tín Nghĩa; Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KCN Nhơn Trạch 3; Phó Giám đốc, Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tín Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa.

Từ tháng 1/2021, ông Hồng được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Tổng Công ty Tín Nghĩa năm 2021, ông được bầu vào Hội đồng quản trị Tổng Công ty Tín Nghĩa nhiệm kỳ II (2021 - 2026), giữ chức danh Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty.

https://fili.vn/2022/10/bat-tam-giam-tong-giam-doc-cong-ty-co-phan-tin-nghia-214-1009490.htm

thêm phần định giá của các cty CK nữa bác!

1 Likes

Oke bác, để khi nào có Báo cáo định giá CTCK cập nhật lên phụ tui nhé :)) @techtic

IDC có tiền lệ rồi. Cứ lúc nào PR ầm ầm là y như rằng đứt bóng. Lần này ko biết có ai bỏ được lời nguyền 49-53 không nữa

1 Likes

Tớ dự tính cập nhật thông tin doanh nghiệp, vĩ mô, báo cáo của BDS KCN luôn nhé bác. Tớ không tập trung mã IDC hay một mã nào cả

1 Likes

ok bác.

1 Likes

Có thông tin về Doanh nghiệp hay vĩ mô ngành ảnh hưởng thì chia sẻ cùng nha bác

1 Likes

Sonadezi Châu Đức: Gánh nặng chi phí tài chính, giải phóng mặt bằng ‘đè bẹp’ lợi nhuận quý III

Mới đây, Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 kém khả quan, với doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, về còn 123 tỷ đồng.


Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Sonadezi Châu Đức báo lãi gần 160 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, từ 61% xuống còn 38% trong quý này. Đó là nguyên nhân chính, dẫn tới lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” 65% so với quý III/2021, xuống 23 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chứng kiến chi phí tài chính tăng gấp 5,5 lần, lên gần 10 tỷ đồng, cho thấy áp lực trả lãi ngày một lớn.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Sonadezi Châu Đức ghi nhận 663 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ; và 159 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 37%. Tuy nhiên, với kế hoạch kinh doanh thận trọng, doanh nghiệp vẫn hoàn thành 86% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến hết tháng 9, tổng tài sản của Sonadezi Châu Đức đạt 6.035 tỷ đồng, tương đương tăng 7,5%. Tài sản dở dang dài hạn chiếm 87% tài sản, đạt 5.256 tỷ đồng và tăng 8,3% so với đầu năm. Trong đó, chiếm 2.958 tỷ đồng là dự án KCN, Khu đô thị Châu Đức – chi phí đền bù giải phóng mặt bằng; 1.806 tỷ đồng dự án KCN, Khu đô thị Châu Đức – chi phí chuẩn bị đầu tư, tư vấn, xây dựng; 479 tỷ đồng dự án Golf Châu Đức…

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Sonadezi Châu Đức tăng 4% so với đầu năm tương ứng tăng thêm 86,5 tỷ đồng lên 2.286 tỷ đồng và chiếm 38% tổng nguồn vốn.

Trong một báo cáo của CTCK Guotai Junan Việt Nam (GTJA), nhóm phân tích cho biết, việc điều chỉnh khung giá đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu (thị trường chính của Sonadezi Châu Đức) tăng đã khiến chi phí giải phóng mặt bằng của Sonadezi Châu Đức tăng mạnh, qua đó làm suy giảm biên lợi nhuận gộp.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng là gánh nặng của Sonadezi Châu Đức, khi doanh nghiệp đang gánh hơn 1.700 tỷ đồng nợ dài hạn, và 480 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 270 tỷ đồng phải trả, phần lớn sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/10): KDH, IDC và VEA’

(VNF) - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) khuyến nghị tăng tỷ trọng với IDC với giá mục tiêu là 57.200 đồng/cổ phiếu (tăng 17,9%) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/10): KDH, IDC và VEA

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/10): KDH, IDC và VEA

KDH: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 37.300 đồng/cổ phiếu

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá hoạt động bán hàng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) khá ảm đạm khi không có thêm dự án mới được chào bán ra thị trường.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, hoạt động bán hàng đã bắt đầu sôi động trở lại với việc mở bán chính thức đợt 1 dự án The Classia, 100 căn biệt thự - nhà phố ngày 11/9/2022, kết quả bán hàng ghi nhận ở mức khá cao 96%. Theo kế hoạch, dự án sẽ mở bán đợt hai trong tháng 11 tới đây.

Dự án cao tầng Privia đã khởi công từ ngày 30/6/2022, dự kiến sẽ đủ điều kiện mở bán trong những tháng đầu của năm 2023, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại một số sàn bất động sản đã bắt đầu thực hiện chương trình quảng cáo cho dự án. Theo tiến độ, dự án có thể bắt đầu bàn giao vào cuối năm 2024.

Dự án biệt thự Clarita đã có giấy phép xây dựng hạ tầng, hiện đang trong giai đoạn san nền. Theo pháp lý, dự án đã có thể mở bán sau khi hoàn thành hạ tầng. Tuy nhiên, công ty dự kiến sẽ bắt đầu mở bán chính thức sau khi hoàn thành việc xây dựng đợt một (tương tự như tiến trình mở bán dự án The Classia) từ nửa cuối 2023.

Về các dự án khác, dự án 11A – giai đoạn 1, xây dựng các sản phẩm thấp tầng, đã đền bù 100% 13ha, hiện dự án trong trong giai đoạn chờ quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất. Theo chia sẻ của KDH, dự án sẽ bắt đầu san lấp từ tháng 11/2022.

Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng dự kiến sẽ nhận quyết định thu hồi đất cho phần diện tích 90ha trong tháng 10/2022.

Trong thời gian tới đây, KDH sẽ phải chờ quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất, để có thể hoàn thành hết các nghĩa vụ tài chính và đủ điều kiện mở bán. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản đang khá nhạy cảm và Luật Đất Đai sửa đổi chưa thống nhất ý kiến, VDSC cho rằng dự án có thể sẽ chưa đi vào hoạt động trong năm 2023.

Ngoài ra, dự án Tân Tạo đến thời điểm hiện tại đã giải phóng mặt bằng được khoảng 80% diện tích đất.

Trong quý III/2022, VDSC ước tính tổng doanh thu của KDH sẽ đạt mức 952 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ, được ghi nhận chủ yếu đến từ việc bàn giao 40 - 50 căn The Classia. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ kỳ vọng đạt mức 409 tỷ đồng, vẫn ghi nhận tăng trưởng ở mức 29% so với cùng kỳ nhờ biên lợi nhuận cao của dự án The Classia.

Lũy kế cả năm 2022, VDSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt ở mức 2.779 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái và 1.443 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng hoàn thành 70% và 103% kế hoạch năm.

Trong năm 2023, VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt ở mức 3.291 tỷ đồng và 1.357 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18% và giảm 6% so với ước tính năm 2022. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chủ yếu đến từ việc bàn giao phần còn lại dự án The Classia và việc bàn giao dự án dự án The Clarita, dự án chủ lực trong năm 2023, dự kiến được thực hiện từ nửa cuối 2022.

VDSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KDH, giá mục tiêu 37.300 đồng/cổ phiếu.

IDC: MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 57.200 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), quỹ đất thương phẩm còn lại sẵn sàng cho thuê tính đến hết quý II/2022 của Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) đạt khoảng 758ha với 5 dự án tại các tỉnh công nghiệp hai miền Bắc – Nam.

Các khu công nghiệp (KCN) của IDC đều được giải phóng mặt bằng từ trước với chi phí thấp, đối với các KCN ở phía Bắc thì hầu hết là đều là đất lúa nên giải phóng mặt bằng theo đơn giá nhà nước.

Tại các khu vực kinh tế có sức hấp dẫn mà KCN của IDC hiện hữu đều ghi nhận mức giá cho thuê tăng cao, và nguồn cung đất công nghiệp tại đây cũng trở nên hạn hẹp. MASVN cho rằng giá cho thuê sẽ còn tiếp tục duy trì đà tăng trong thời gian tới.

MASVN cho rằng KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng sẽ trở thành động lực dẫn dắt trong giai đoạn 2022-2023. Theo đó, KCN có lợi thế cạnh tranh khi nằm trong khu cảng Cái Mép – Thị Vải và là 2 trong 4 KCN có vị trí cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu với mức giá thuê thương phẩm hiện tại đạt 125USD/m2 (tăng 14% so với cùng kỳ), và dự kiến sẽ còn duy trì đà tăng nhờ vị trí đặc biệt của KCN và nhu cầu đầu tư vào khu vực này vẫn ở mức cao.

Theo MASVN, việc chuyển phương pháp hạch toán phân bổ doanh thu theo chu kỳ thuê sang ghi nhận doanh thu một lần với các hợp đồng ký mới sẽ làm tăng mạnh doanh thu cũng như lợi nhuận kế toán của mảng KCN, qua đó tạo nên bước nhảy trong kết quả hoạt động kinh doanh IDC.

Hiện IDC đã được cấp giấy phép truyền tải và phân phối điện lực tại KCN Hựu Thạnh với trạm biến áp 189 MW (3x63 MW). Sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy của KCN Hựu Thạnh sẽ làm động lực tăng trưởng rõ rệt nhất cho mảng năng lượng trong giai đoạn 2022-2026 với CAGR dự phóng đạt 9%/năm và nâng tổng sản lượng mục tiêu lên 2.2-2.3 tỷ kWh (từ mức quanh 1.5 tỷ kWh như hiện tại).

MASVN dự phóng cổ tức tiền mặt của IDC là 4.000/cổ phiếu hàng năm, tương ứng với tỷ suất cổ tức 8,2%, phản ánh dòng tiền hoạt động kinh doanh mạnh của công ty và việc điều chỉnh chính sách ghi nhận doanh thu sẽ làm gia tăng đáng kể nguồn lợi nhuận giữ lại.

Công ty chứng khoán này khuyến nghị tăng tỷ trọng với IDC với giá mục tiêu là 57.200 đồng/cổ phiếu (tăng 17,9%) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE. MASVN kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sẽ lần lượt đạt 8.484 tỷ đồng (tăng 97,2%) và 2.293 tỷ đồng (tăng 340,5%) nhờ vào 3 yếu tố sau.

Một là doanh số KCN trong nửa cuối năm 2022 sẽ chậm lại so với nửa đầu năm 2022 do không còn ghi nhận lợi nhuận đột biến từquyết toán vốn tại KCN Nhơn Trạch 5 và không còn ghi nhận giá trị hợp đồng lớn từ KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng như trong nửa đầu năm 2022. Hai là thay đổi chính sách ghi nhận doanh số KCN một lần. Ba là hoạt động BOT và năng lượng hồi phục trở lại sau khi bị trì trệ do Covid-19 trong cùng kỳ năm trước.

VEA: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 56.464 đồng/cổ phiếu

Hiệp hội Ô tô Việt Nam (VAMA) và Honda Việt Nam đã công bố doanh số bán hàng tháng 9, cho thấy tiêu thụ xe máy và ô tô của Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, vượt kỳ vọng của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Honda Việt Nam báo cáo doanh số xe máy tháng 9 tăng mạnh 26,1% so với tháng trước lên mức cao thứ hai kể từ đầu năm tới nay, đạt 250.132 chiếc (tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu được hỗ trợ bởi nguồn cung nới lỏng. Điều này cũng giúp tạo ra cơ cấu bán hàng tốt hơn (đóng góp lớn hơn của xe tay ga có biên lợi nhuận cao).

Lũy kế 3 quý năm 2022, sản lượng xe máy của Honda đạt 612.810 chiếc (tăng 68,2% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 25,6% so với quý trước). Trong đó cải thiện cơ cấu bán hàng cũng giúp mở rộng biên lợi nhuận.

Theo BVSC, đây là động lực chính cho triển vọng thu nhập của Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UPCoM: VEA), do đóng góp chính từ xe máy vào lợi nhuận từ các liên doanh.

VAMA báo cáo sản lượng tiêu thụ ô tô tháng 9 tăng 9,5% so với tháng trước, đạt 28.756 chiếc, tăng 133,9% so với mức thấp năm ngoái do “lockdown”.

Lũy kế, sản lượng tiêu thụ ô tô trong 3 quý năm 2022 của VAMA và VEA đạt mức cao lần lượt là 264.951 chiếc (tăng 56,1% so với cùng kỳ) và 104.791 chiếc (tăng 56,2% so với cùng kỳ).

BVSC cho biết công ty chứng khoán này lạc quan về triển vọng của VEA trong nửa cuối năm 2022 nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ; Tết âm lịch 2023 đến sớm hơn thường lệ (doanh số bán hàng quý IV/2022 có khả năng rất lạc quan); và triển vọng biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện.

Ước tính lợi nhuận ròng quý III/2022 của BVSC cho VEA tăng mạnh 116,7% lên 1.616 tỷ đồng; trong khi kỳ vọng lợi nhuận ròng quý II/2022 đạt 2.055 tỷ đồng (tăng 27,2% so với quý trước; tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước).

BVSC duy trì khuyến nghị khả quan đối với VEA, với giá mục tiêu ở mức 56.464 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá hiện tại, VEA đang giao dịch với P/E năm 2022 là 8,4 lần so với mức trung bình 5 năm là 10,2 lần.

BVSC ưa thích VEA với chủ đề đầu tư phòng thủ, đặc trưng bởi vị thế giàu tiền mặt, cho phép VEA hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng; tỷ lệ tiếp xúc lớn với thị trường nội địa sẽ giúp hạn chế tác động của suy thoái kinh tế từ các quốc gia khác; và chính sách cổ tức tiền mặt bền vững. Về dài hạn, VEA có vị thế tốt để hưởng lợi từ thị trường xe máy rộng lớn và ô tô đang bùng nổ của Việt Nam.

MASVN: Động lực tăng trưởng của IDICO (IDC) đến từ khu công nghiệp

Theo CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN), trong năm 2022, Tổng Công ty IDICO (IDC) đã tái cấu trúc mô hình kinh doanh thông qua việc thoái vốn một số công ty con để tập trung vào 4 mảng kinh doanh chính: Khu công nghiệp, Năng lượng, Bất động sản dân cư, Dịch vụ. Việc này sẽ giúp thuận lợi trong việc cấu trúc lại các công ty con hoạt động kém hiệu quả; dễ dàng định hướng và phát triển các mảng kinh doanh trụ cột. Trong đó mảng bất động sản khu công nghiệp (KCN) và mảng năng lượng sẽ có đóng góp lớn nhất về cơ cấu doanh thu.

Bất động sản KCN

Quỹ đất KCN lớn với vị trí thuận lợi: Tính đến thời điểm cuối Q2/2022, quỹ đất thương phẩm của IDC còn hơn 758 ha với 5 khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh công nghiệp hai miền Bắc – Nam. Quỹ đất thương phẩm lớn đảm bảo cho việc tăng trưởng của hoạt động kinh doanh KCN trong giai đoạn 5 năm tới. Các KCN của IDC đều được giải phóng mặt bằng (GPMB) từ trước với chi phí thấp, đối với các KCN ở phía Bắc thì hầu hết là đều là đất lúa nên GPMB theo đơn giá nhà nước.

Tại các khu vực kinh tế có sức hấp dẫn mà KCN của IDC hiện hữu đều ghi nhận mức giá cho thuê tăng tốt và nguồn cung đất công nghiệp tại đây cũng trở nên chững lại mặc dù nhu cầu cho thuê vẫn cao. Vì vậy, MASVN cho rằng giá cho thuê sẽ còn tiếp tục duy trì đà tăng trong thời gian tới.


Nguồn: MASVN

Theo chia sẻ của IDC tại Analyst tour, tính đến cuối Q2/22, IDC đã ký kết ghi nhớ hợp tác (MOU) được 91,4 ha (73,4 ha ở KCN Hựu Thạnh), với giá trị tương ứng khoảng 2.800 tỷ đồng doanh thu tiềm năng. MASVN ước tính khoản doanh thu này sẽ được ghi nhận lên BCTC vào Q4/22 và Q1/23.

Bên cạnh việc thúc đẩy doanh số ở các KCN hiện hữu, IDC cũng liên tục mở rộng quỹ đất để “gối đầu” trong tương lai với khoảng 1.400 ha dự kiến được cấp chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2023 – 2024. Trong tháng 7/2022, IDC cũng đã nhận được chủ trương đầu tư tại KCN Mỹ Xuân B1 – CONAC mở rộng (giai đoạn 1: 110 ha) và KCN Tân Phước 1 (600 ha).


Nguồn: MASVN

KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng sẽ trở thành động lực dẫn dắt trong giai đoạn 2022-2023

Hiện tại khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đang có 13 KCN đang hoạt động (6 KCN đã lấp đầy), trong đó chỉ có 4 KCN có vị trí sát khu cảng Cái Mép – Thị Vải. MASVN cho rằng những lợi thế này giúp IDC trong việc thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng vào thuê đất với nhu cầu cần dùng hạ tầng cảng biển khi cảng Cái Mép – Thị Vải là 1 trong 2 cảng nước sâu duy nhất tại Việt Nam (Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng).


Nguồn: MASVN

Trong bối cảnh hạ tầng cảng Cát Lái đang quá tải và quỹ đất KCN tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có vị trí gần cảng Cát Lái trở nên cạn kiệt, MASVN cho rằng sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư công nghiệp về phía khu vực BR-VT nói chung và đặc biệt các KCN có vị trí gần cảng Cái Mép – Thị Vải. Hạ tầng kết nối xung quanh cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã hầu như hoàn thiện, gần nhất là cầu Phước Hòa đã đi vào vận hành để kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải và KCN Phú Mỹ 2 với QL51; và cầu Phước An được dự kiến khởi công vào cuối năm 2022. Theo Ban quản lý các KCN tỉnh BR-VT, trong 8T2022 các KCN tại đây đã thu hút được 27 dự án đầu tư, với tổng vốn 626 triệu USD (+30% CK). Điều này cho thấy sức hút và tiềm năng của các KCN tại đây.

Theo ước tính của MASVN, phần lớn doanh số mảng KCN trong 6T2022 được ghi nhận đến từ KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng, trong đó bao gồm dự án của Hòa Phát (HoSE: HPG) và SMC đã ký trong năm 2021 với diện tích cho thuê khoảng 70 ha.

Các KCN bổ trợ cho đà tăng trưởng chung

KCN Hựu Thạnh sẽ trở thành nền tảng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của IDC trong giai đoạn 2022-2023, trong 6T22, mức giá cho thuê tại KCN Hựu Thạnh đạt hơn $135/m2 /chu kỳ thuê (+22,7% so CK). MASVN lưu ý mặc dù hiện nay KCN Hựu Thạnh vẫn ghi nhận doanh số bán hàng tốt, tuy nhiên do hầu hết các hợp đồng không đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu một lần nên sẽ không phản ánh rõ kết quả kinh doanh.

MASVN cho rằng, trong thời gian tới IDC sẽ có sự điều chỉnh về chính sách công nợ tại KCN Hựu Thạnh để có thể đáp ứng đủ điều kiện của việc hạch toán ghi nhận doanh thu một lần. Ngoài ra, nhờ nhu cầu thương mại điện tử phát triển nhanh, KCN Hựu Thạnh cũng được hưởng lợi lớn nhờ vào vị trí logistic đặc biệt ở khu vực cửa Nam thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nam Bộ với nhu cầu thuê làm kho trung chuyển giao hàng chặng cuối.

Đối với KCN phía Bắc, mặc dù đón nhận làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc, tập trung vào lĩnh vực ô tô và điện tử, tuy nhiên MASVN cho rằng KCN Cầu Nghìn (chỉ còn hơn 15ha sẵn sàng cho thuê) và KCN Quế Võ 2 sẽ khó xúc tiến mạnh đầu tư do liên quan đến các vướng mắc về GPMB cho đến thời điểm tại.

Thay đổi chính sách kế toán ghi nhận doanh thu

Việc chuyển phương pháp hạch toán phân bổ doanh thu theo chu kỳ thuê sang ghi nhận doanh thu một lần với các hợp đồng ký mới, theo MASVN, sẽ làm tăng mạnh doanh thu cũng như lợi nhuận kế toán của mảng KCN, và qua đó tạo nên bước nhảy trong kết quả hoạt động kinh doanh IDC.

Tuy nhiên, để có thể đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu một lần theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính, IDC đã điều chỉnh chính sách công nợ tại một số KCN đang trong giai đoạn bán hàng. Cụ thể đối với chính sách công nợ, khoảng thời gian thu 95% giá trị hợp đồng đã được rút gọn xuống còn 6 tháng (trước đó là 12 tháng). Theo chia sẻ của IDC, đối với các KCN đang trong giai đoạn bán hàng hiện tại chỉ có KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng có các hợp đồng đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu một lần, trong khi đó các KCN khác vẫn chưa đủ điều kiện và sẽ dần điều chỉnh các chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Số dư doanh thu chưa thực hiện tính đến thời điểm Q2/2022 đạt khoảng 4.726 tỷ đồng (chiếm 29% tổng nguồn vốn), đây được xem là phần để dành của doanh nghiệp trong những thời điểm hoạt động kinh doanh chưa thuận lợi.


Nguồn: MASVN


Nguồn: MASVN

Năng lượng

MASVN cho rằng mảng năng lượng sẽ ghi nhận sự phục hồi trở lại sau khi sụt giảm trong năm 2021 do việc giãn cách xã hội làm giảm đi nhu cầu tiêu thụ điện năng trong sản xuất.

Sản xuất thủy điện

Hiện tại chỉ có thủy điện Srok Phu Miêng hoạt động trong khi thủy điện Đắk Mi 3 tạm ngưng vận hành để bảo trì và chịu lỗ, và dự kiến hoạt động lại trong Q4/2022. Tổng sản lượng điện bình quân trong năm 2022 của hoạt động thủy điện ước tính đạt 284 triệu kWh, tương ứng với doanh thu bình quân đạt 242 tỷ đồng.

Truyền tải và phân phối điện

IDC hiện sở hữu gián tiếp 3 giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện thông qua công ty con (UIC) với tổng công suất đạt 607 MVA, trong đó 418 MVA tại KCN Nhơn Trạch đã hoạt động hết công suất với sản lượng trung bình khoảng 1,5 tỷ kWh/năm tương ứng mức doanh thu ổn định quanh 2.500 tỷ đồng/năm. Trạm biến áp Hựu Thạnh đang dần tăng công suất hoạt động và sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy tại KCN Hựu Thạnh sẽ là động lực thúc đẩy doanh số bán điện của IDC. Theo ước tính của MASVN, trong giai đoạn 2022-2026, tăng trưởng doanh thu của mảng năng lượng sẽ được dẫn dắt bởi tỷ lệ lấp đầy tại KCN Hựu Thạnh với mức CAGR đạt 9%/năm và qua đó nâng tổng sản lượng tiêu thụ mục tiêu lên 2,2-2,3 tỷ kWh.

Trong T7/2022, IDC cũng đã tăng tỷ lệ sở hữu với UIC lên 67% (từ 51%) để có thể khai thác được tối ưu hơn về hoạt động mảng năng lượng, cũng như gia tăng tỷ trọng trong lợi nhuận ròng hợp nhất của mảng này.

Dịch vụ KCN

Mảng dịch vụ KCN mang tính bền vững và mang lại dòng tiền ổn định cho IDC, bao gồm hoạt động thu phí từ QL1A An Sương – An Lạc (HCMC), dịch vụ quản lý hạ tầng các KCN, và mảng nhà xưởng cho thuê (đang phát triển – xem chi tiết bảng 3). MASVN cho rằng hoạt động mảng nhà xưởng cho thuê sẽ gia tăng thêm tính ổn định dòng tiền của IDC; và việc các nhà đầu tư lớn vào thuê đất KCN sẽ kéo thêm một làn sóng vệ tinh dịch chuyển theo với nhu cầu thuê nhà xưởng. Theo ghi nhận của Jones Lang Leasalle (JLL), nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đến cuối Q2/2022 tại khu vực phía Nam đạt 4,2 triệu m2 (+27,3% so với đầu năm) với mức giá cho thuê bình quân $4,8/m2 /tháng, điều này cho thấy được sự hấp dẫn của mảng cho thuê nhà xưởng, nhà kho xây sẵn tại khu vực phía Nam.


Nguồn: MASVN

Bất động sản dân cư

Mảng bất động sản dân cư của IDC hiện có quỹ đất sạch hơn 60ha chưa khai thác. Tuy nhiên, dự phóng của MASVN không bao gồm đóng góp từ mảng kinh doanh phát triển bất động sản do các dự án còn vướng một số thủ tục pháp lý để hoàn thiện thủ tục đầu tư và doanh nghiệp chưa công bố chi tiết các thông tin liên quan đến triển khai dự án. Bên cạnh đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu và lợi nhuận hiện tại chưa trọng yếu.


Nguồn: MASVN

Khuyến nghị tăng tỷ trọng IDC với giá mục tiêu là 57.200 đồng (+17,9%)

Nửa đầu năm 2022, IDC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng hợp nhất 6T2022 đạt kỷ lục 4.981 tỷ đồng (+114,7% svck) và 1.751 tỷ đồng (+410,8% svck).

Trong đó, giá cho thuê ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Mức cho thuê tại các KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng đạt $125/m2 (+13,6% svck), KCN Hựu Thạnh đạt $135/m2 (+22,7% svck). Với vị trí thuận lợi lớn về mặt logistic, MASVN cho rằng mặt bằng giá cho thuê tại các KCN này sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới.

Doanh số bán hàng tích cực trong 6T2022, với khoảng 91ha đất cho thuê (trong đó KCN Hựu Thạnh chiếm 73,4 ha) đạt 57% kế hoạch. MASVN cho rằng IDC sẽ sớm hoàn thành kế hoạch 160 ha trong năm 2022, khi mặt hạn chế của dịch bệnh đã qua đi và các nhà đầu tư lớn bắt đầu quay lại tiến trình đầu tư.

Trong năm 2022, MASVN dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 8.484 tỷ đồng (+97,2% svck) và 2.239 tỷ đồng (+405% svck); trong đó doanh thu từ mảng bất động sản KCN và mảng năng lượng chiếm đến 86% tổng doanh thu hợp nhất. Biên lợi nhuận gộp sẽ được duy trì quanh 63% và sẽ sụt giảm sau khi không còn ghi nhận doanh số từ KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng.

Dự phóng của MASVN được đưa ra theo giả định như sau: 1) Doanh số KCN trong 2H22 sẽ chậm lại so với 1H22 do không còn ghi nhận lợi nhuận đột biến từquyết toán vốn tại KCN Nhơn Trạch 5 và không còn ghi nhận giá trị hợp đồng lớn từ KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng; 2) Thay đổi chính sách ghi nhận doanh số KCN một lần; 3) Hoạt động BOT và năng lượng hồi phục trở lại sau khi bịtrì trệ do Covid trong cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh trong năm 2023 được MASVN dự báo sẽ giảm so với 2022 do: 1) Không còn ghi nhận khoản doanh thu đột biến đến từ việc quyết toán vốn đầu tư tại KCN đã lấp đầy; 2) Lợi thế biên lợi nhuận lớn tại KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng sẽ giảm dần. Cũng trên cơ sở thận trọng về tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, MASVN đưa ra giả định về tăng trưởng giá cho thuê ở mức 5%/năm trong suốt giai đoạn dự phóng.

MASVN tiến hành định giá IDC theo phương pháp FCFE dựa trên dòng tiền mạnh và ổn định đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng IDC với giá mục tiêu là 57.200 đồng (+17,9%).

Yếu tố rủi ro

Biến động chung của nền kinh tế thế giới có thể sẽ làm chậm đi quá trình xúc tiến đầu tư tại các KCN trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm. Các doanh nghiệp FDI sẽưu tiên cân đối tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại hơn là tiếp tục mở rộng đầu tư ra bên ngoài.

Vấn đề chi phí GPMB được ghi nhận tăng trong thời gian qua ở các khu vực phía Nam từcuối năm 2019, tiêu biểu như đơn giá GPMB tại Long An đã ghi nhận tăng khoảng 3 lần.

Biên lợi nhuận gộp sẽ không ổn định do sự chênh lệch giữa các KCN mà IDC triển khai bán hàng, các KCN ở phía Bắc có biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với các KCN phía Nam do đặc thù địa lý và chi phí GPMB ở các KCN phía Nam thấp hơn do đã GPMB từ sớm.

Những khuyến nghị của công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Bất động sản công nghiệp - “điểm sáng” trên thị trường

VTV.vn - Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 3 của các đơn vị nghiên cứu, bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng khi liên tục gia tăng về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Bất động sản hút vốn FDI

Thu hút hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đăng ký, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2021, bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI trong 9 tháng đầu năm nay. Riêng bất động sản công nghiệp là “điểm sáng” khi giá thuê liên tục tăng. Các khu công nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gần như lấp đầy hoàn toàn.

Theo thống kê, bất động sản công nghiệp có lợi suất đạt 8 - 11%. Trong khi đó, lợi nhuận trung bình của nhà cho thuê chỉ vào khoảng hơn 4%/năm. Con số lợi nhuận đầu tư khu công nghiệp khá ấn tượng.

Đó là kết quả trực tiếp từ thành công trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, từ năm 2021 tới nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Thủ tướng khẳng định Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp - “điểm sáng” trên thị trường - Ảnh 1.

Một góc Khu công nghiệp và Đô thị VSIP Bắc Ninh với đầy đủ hạ tầng cơ bản. (Ảnh: TTXVN)

“Dư địa phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ lợi thế vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, chi phí hợp lý, nhiều ưu đãi trong thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đồng thời, tiềm năng tăng giá tương lai là rất hấp dẫn, với mức tăng bình quân khoảng 7 - 10%/năm. Cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các nước lân cận sang Việt Nam và sự phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu phát triển các cơ sở hậu cần (logistics), trung tâm dữ liệu và kho lạnh dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới”, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, đánh giá.

“Với các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam là thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để tiếp tục kinh doanh đầu tư trong thời gian dài. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn với đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao. Đây sẽ là một tác động tích cực cho tăng trưởng thị trường bất động sản công nghiệp và thương mại của Việt Nam”, ông Dominic Harding, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới, Savills Hoa Kỳ, cho biết.

Các thách thức với bất động sản công nghiệp

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 30 - 40% tổng vốn đăng ký tăng thêm của cả nước. Để tiếp tục gia tăng chất và lượng cho nguồn vốn này, một số thách thức đang được đặt ra.

Khu công nghiệp Long Hậu vừa mở rộng diện tích thêm gần 124 ha nhằm đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà máy, nhà xưởng xây sẵn của các nhà đầu tư đến từ Đức, Đan Mạch…, tập trung vào các ngành dược phẩm, y tế, kho hàng hóa…Doanh nghiệp cho biết, một trong thách thức lớn là công tác giải phóng mặt bằng.

“Đối với những quy định mới cũng như khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nó làm kéo dài tiến độ triển khai dự án, chắc chắn nó làm ảnh hưởng đến giá vốn của các đơn vị kinh doanh hạ tầng. Điều đó làm gia tăng chi phí phát sinh”, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh, Khu công nghiệp Long Hậu, cho hay.

Để tìm quỹ đất có giá rẻ buộc chủ đầu tư phải di chuyển ra các vùng phụ cận, thay vì các trung tâm lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hạ tầng chưa đồng bộ dẫn đến phát sinh chi phí và làm giảm hiệu quả dự án.

“Ví dụ như đi những thị trường cấp 1, chỉ mất từ 1 - 2 tiếng để trở về các cảng. Bây giờ nếu mở rộng ra các thị trường cấp 2 thì phải mất đến 3 - 4 tiếng, kết nối hạ tầng quá hạn chế và khiến chi phí vận chuyển của các nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường bất động sản khu công nghiệp tăng theo, làm đội vốn lên”, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành, CBRE Việt Nam, nhận định.

“Cần cải thiện quy trình thực hiện các thủ tục thúc đẩy đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính, giúp các nhà đầu tư khu công nghiệp phát triển dự án mới dễ dàng hơn. Trong tương lai, các nhà phát triển dự án cần tính đến phân bổ diện tích cho chức năng về hậu cần, thương mại”, ông David Jackson, Tổng Giám Đốc, Colliers Việt Nam, nêu quan điểm.

Bất động sản công nghiệp - “điểm sáng” trên thị trường - Ảnh 2.

Các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp cần chủ động chuyển đổi để đón đầu các xu hướng mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đại diện Colliers cũng cho rằng, các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp cần chủ động chuyển đổi để đón đầu các xu hướng mới, bắt kịp “khẩu vị” mới của các nhà đầu tư, chẳng hạn như hoạt động theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Địa phương chuẩn bị nguồn lực phát triển bất động sản công nghiệp

Trước các thách thức này, một số địa phương đang tích cực tìm giải pháp để phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, đón làn sóng đầu tư.

9 tháng đầu năm nay, Bắc Giang đã thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi. Điều đáng nói, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại tỉnh Bắc Giang khá hiệu quả, nên có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh.

“Chính các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất với số vốn tăng gấp đôi so với số vốn đăng ký mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp hiện tại trên địa bàn lại tuyên truyền, tác động đến các doanh nghiệp sắp tới đến Bắc Giang, vì người ta tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh tốt của Bắc Giang”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn thông tin.

Càng nhiều dự án FDI đổ về, nhu cầu về hạ tầng khu công nghiệp như xây dựng nhà xưởng càng gia tăng. Doanh nghiệp chuyên cung ứng thiết kế, sản xuất, lắp dựng nhà xưởng, nhà máy cho biết, họ đã mở rộng đầu tư xây dựng thêm và đưa vào sản xuất nhà máy kết cầu thép số 3, tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Dù mới đưa vào hoạt động nhưng nhà máy luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất và các đơn đặt hàng cũng liên tục tăng lên.

“Tỷ trọng làm cho FDI là cơ bản, trong đó cả những doanh nghiệp trong nước, họ đang đầu tư rất lớn. Chúng tôi chuẩn bị đón sóng đầu tư đó, kể cả ngoài lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi chuẩn bị nhà máy để đáp ứng công suất và sản lượng để phục vụ trong nước và xuất khẩu”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần CTP Group, cho biết.

Hiện nay, Bắc Giang còn đang tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng nhanh, đào tạo nguồn nhân lực để tiếp tục các điều kiện cần thiết chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn FDI.

“Xanh hóa” dòng vốn FDI tại Việt Nam

Tập đoàn LEGO khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Với việc LEGO chính thức khởi công xây dựng dự án hơn 1 tỷ USD ở Bình Dương, dòng đầu tư “xanh” đang từng bước được hiện thực hóa tại Việt Nam.

Tâm điểm LEGO

Tập đoàn LEGO đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy mới trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương vào cuối tuần qua. Sự kiện này không chỉ góp phần “hâm nóng” dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn có phần trầm lắng trong năm nay do ít có dự án quy mô lớn được đăng ký đầu tư và triển khai, mà còn như một lời khẳng định về xu hướng “xanh hóa” dòng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Trên thực tế, chuyện này đã được nhắc đến rất nhiều ngay từ khi LEGO lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, với cam kết sẽ xây dựng một nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn trên toàn cầu.

Thông tin cho biết, đây chính là nhà máy bền vững nhất từ trước đến nay của LEGO. Nhà máy sẽ được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và một trang trại điện mặt trời sẽ được xây dựng trên khu đất lân cận. Sự kết hợp này sẽ đáp ứng được tổng nhu cầu sử dụng năng lượng hàng năm của nhà máy.

Bên cạnh đó, nhà máy này cũng sẽ sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng hiện đại nhất và sẽ được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu. Những nỗ lực này sẽ góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của Tập đoàn vào năm 2032 (so với năm 2019).

“Có 3 lý do khiến chúng tôi xây dựng nhà máy bền vững nhất tại Việt Nam. Đó là, Việt Nam có đủ nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong các nhà máy công nghệ cao; Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, đặc biệt tại COP26; Việt Nam là cửa ngõ để xuất khẩu hàng hóa ra nhiều thị trường khác”, ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO nói.

Theo kế hoạch, nhà máy được xây dựng trên khu đất rộng 44 ha này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, với các nhân công địa phương có tay nghề cao được đào tạo để vận hành các thiết bị công nghệ hiện đại. Nhà máy sẽ tạo việc làm cho 4.000 người trong vòng 15 năm tới, nên được dự báo là sẽ có tác động tích cực tới kinh tế - xã hội địa phương.

Nhưng với dự án của LEGO, mối quan tâm lớn nhất không hẳn chỉ là giải quyết việc làm, hay đóng góp cho ngân sách nhà nước… như với nhiều dự án khác, mà chính là những cam kết quan trọng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Bởi thế, khi ông Niels B. Christiansen nói rằng, sự kiện khởi công nhà máy mới đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Tập đoàn LEGO bởi đây là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO, thì trên thực tế, đó cũng chính là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam trong hành trình thu hút FDI thế hệ mới.

“Xanh hóa” dòng vốn FDI tại Việt Nam ảnh 1
Cùng với dự án hơn 1 tỷ USD của LEGO ở Bình Dương, dòng đầu tư “xanh” vào nhiều lĩnh vực đang từng bước được hiện thực hóa tại Việt Nam. Ảnh: S.T. Đồ họa: Đan Nguyễn

Đón dòng đầu tư “xanh”

Dù dự án của LEGO được coi là một cột mốc quan trọng, nhưng thực tế, đây không phải là dự án duy nhất góp phần vào xu hướng “xanh hóa” dòng vốn FDI tại Việt Nam.

Cách đây ít tháng, một tên tuổi khác của Đan Mạch là Pandora cũng đã quyết định đầu tư dự án 100 triệu USD tại Việt Nam. Dự án này dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tạo ra hơn 6.000 việc làm và cũng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold.

Mới đây, DHL Express, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới, cũng đã khánh thành trung tâm khai thác mới nhất tại Việt Nam. Điều đáng nói là, lấy mục tiêu phát triển bền vững làm trọng tâm của mọi hoạt động kinh doanh, DHL đã trang bị cho trung tâm khai thác mới một loạt công nghệ giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường và tối ưu hiệu suất hoạt động. Chẳng hạn, hệ thống điều hòa không khí sử dụng công nghệ VRV (Variable Refrigerant Volume), quạt trần công nghiệp và phương tiện giao nhận được vận hành bằng điện năng.

“135 doanh nghiệp Đan Mạch đang có mặt tại Việt Nam. Mặc dù hai nước có xuất phát điểm khác nhau, nhưng cùng chung tầm nhìn về giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Chúng ta cùng chia sẻ hoài bão là phát triển hướng tới tương lai xanh hơn, phát thải ròng bằng ‘0’. Do đó, doanh nghiệp Đan Mạch đến đây để hỗ trợ Việt Nam vì một tương lai xanh hơn”, Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik nhấn mạnh tại diễn đàn về hợp tác phát triển năng lượng Việt Nam - Đan Mạch.

Theo Thái tử, Đan Mạch và các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ đến để hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực “hướng tới một xã hội xanh hơn”.

Không chỉ nhà đầu tư Đan Mạch, các nhà đầu tư châu Âu khác cũng rất quan tâm đến các dự án xanh. “Đây không phải là chuyện của tương lai, mà thực tế đang diễn ra rồi”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham đã nói như vậy và từng chia sẻ rằng, EuroCham đang thực hiện một chương trình xúc tiến đầu tư, với kế hoạch đưa 300 doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế xanh đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các phản hồi được đánh giá là tích cực.

“Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam có thể đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực”, ông Alain Cany nói.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian gần đây, có thể nói, đã được cải thiện rõ rệt về chất lượng. Rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo… đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Thậm chí, các dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD, của Intel, Samsung… đã và đang góp phần đưa kinh tế Việt Nam lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, phát triển bền vững hơn và “xanh” hơn.

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong quý 3

Thị trường bất động sản sau nhiều chính sách thắt chặt đã trở nên khá ảm đạm. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) lại tỏ ra ít bị ảnh hưởng khi trong quý 3/2022, kết quả kinh doanh của các doanh ngiệp không những không đi lùi mà còn tăng trưởng.

Lãi ròng tăng vọt

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tổng doanh thu thuần của 13 doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp trên sàn đạt 7,239 tỷ đồng trong quý 3/2022, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận ròng còn gây bất ngờ hơn với 3,091 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với quý 3 năm trước.

Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của 13 doanh nghiệp bất động sản KCN

Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng

Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản nhà ở vẫn đang loay hoay tìm cách giải bài toán huy động vốn khi 2 kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp bất động sản KCN lại tỏ ra khá lạc quan. Nguyên nhân chủ yếu là do đặc trưng của ngành - các chủ đầu tư thường có khoản tiền lớn từ phần trả trước của bên thuê đất hoặc cơ sở hạ tầng, do đó phần nào không phải quá lo lắng về vốn trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, triển vọng của ngành bất động sản KCN cũng được giới phân tích đánh giá khả quan. Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán FUNAN, nhu cầu thuê đất KCN không chỉ phục hồi trong năm 2022 mà sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2023 dựa trên các yếu tố như xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác vẫn tiếp diễn, diễn biến vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký mới, Chính phủ có nhiều chính sách thu hút FDI, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Quay trở lại với các doanh nghiệp trong ngành, mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận quý 3 chủ yếu đến từ các “ông lớn” trong ngành như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM) và Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC).

Đối với trường hợp của KBC, lợi nhuận chủ yếu của Công ty đến từ phần thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh liên quan việc KBC tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng. Nhờ thương vụ này, KBC ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết hơn 1,997 tỷ đồng.

Việc đưa khoản lãi trên vào BCTC vốn đã được KBC thực hiện trong BCTC quý 2/2022 nhưng lại không được đơn vị kiểm toán công nhận trong BCTC soát xét bán niên. Tuy nhiên, trong BCTC soát xét 9 tháng đầu năm của KBC, đơn vị kiểm toán là Ernst & Young (EY) đã chấp thuận cho Công ty ghi nhận khoản lãi hơn 1,997 tỷ đồng kể trên.

Trong khi đó ở BCM, lãi từ công ty liên doanh, liên kết lại giảm mạnh gần 85%, chỉ ghi nhận hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 113 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu thuần của Công ty trong quý 3 lại tăng đột biến lên hơn 2,263 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Dù BCM không thuyết minh cụ thể nhưng khả năng cao phần doanh thu trong kỳ chủ yếu đến từ doanh thu bán đất nền ở thành phố mới Bình Dương cho CapitaLand và khu tái định cư Bàu Bàng.

Tương tự, kết quả kinh doanh của IDC cũng chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi từ các KCN. Cụ thể, doanh thu thuần và lãi ròng quý 3 lần lượt gấp 2.3 lần và 2.5 lần cùng kỳ, với 2,053 tỷ đồng và 422 tỷ đồng. IDC giải trình kết quả khả quan trên có được là nhờ ghi nhận doanh thu các hợp đồng cho thuê đất tại các dự án thuộc KCN Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Hựu Thạnh và Mỹ Xuân B1-CONAC, qua đó giúp lợi nhuận tăng trưởng.

Ngoài các “ông lớn” kể trên, các doanh nghiệp còn lại trong ngành cũng có những kết quả tích cực. Điển hình, nếu xét doanh nghiệp có lợi nhuận tính bằng lần so với cùng kỳ, có thể kể đến CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) và CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP) khi lợi nhuận ròng của 2 doanh nghiệp này lần lượt gấp hơn 4 lần và 6 lần so với quý 3/2021.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác như CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC), CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC), CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP), CTCP Thống Nhất (HNX: BAX), lợi nhuận cũng lần lượt tăng 45%, 17%, 16% và 29%.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại đi ngược xu thế chung của ngành. Cụ thể, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) và CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (HOSE: CCI) có lợi nhuận ròng giảm lần lượt 76% và 43%. CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) báo lỗ gần 4 tỷ đồng. Nguyên nhân đi lùi của 3 doanh nghiệp chủ yếu do doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản suy giảm mạnh so với cùng kỳ, trong đó doanh thu của D2D còn thấp hơn giá vốn.

Nhờ động lực từ quý 3, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp bất động sản KCN đã phần nào cho thấy sự khả quan. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như CCI, D2D, KBC, lợi nhuận 9 tháng vẫn chưa vượt được 50% so với kế hoạch.

Tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2022

Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng

  • Lợi nhuận được so là lợi nhuận trước thuế

Tiền mặt, “của để dành” giảm

Tính đến 30/09/2022, tổng lượng tiền mặt của 13 doanh nghiệp đã liệt kê tại thời điểm cuối tháng 9 giảm hơn 12% so với đầu năm, còn 14,542 tỷ đồng. Còn về “của để dành” từ hai khoản mục người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp phát triển KCN, tổng của 13 doanh nghiệp cũng giảm hơn 7% còn 26,394 tỷ đồng. Điểm tích cực có lẽ đến từ việc tổng vay nợ của các doanh nghiệp cũng đã giảm hơn 5%, còn 29,959 tỷ đồng. Những doanh nghiệp như BAX, CCI, D2D tiếp tục không sử dụng nợ vay.

Tiền và tiền gửi ngắn hạn tại 30/09/2022

Của để dành tại 30/09/2022

Vay nợ tại 30/09/2022

Nguồn: VIetstockFinance

Theo đánh giá của SSI Research, lĩnh vực bất động sản KCN vẫn còn nhiều triển vọng vào cuối năm 2022 cũng như sang năm 2023. Động lực thúc đẩy sẽ đến từ nhiều yếu tố như xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục; các chính sách thu hút FDI như miễn, giảm thuế và nhiều chính sách khác cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam; cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới như các dự án đường vành đai 3 và đường vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Bắc - Nam, cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Gemalink sẽ tạo ra kết nối thuận tiện hơn giữa các KCN.

Với những động lực trên, có thể hy vọng rằng các doanh nghiệp trong ngành có thể hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2022 trong bối cảnh “người anh em” bất động sản nhà ở vẫn đang bị siết chặt bởi nhiều chính sách.

https://fili.vn/2022/11/tin-hieu-tich-cuc-tu-doanh-nghiep-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-trong-quy-3-737-1016336.htm

10 tháng, hơn 900 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN Đồng Nai

(PLO)- Trong 10 tháng đầu năm 2022, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp đạt hơn 900 triệu USD, đạt 129% so với kế hoạch năm.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, trong 10 tháng đầu năm 2022, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp đạt hơn 900 triệu USD, đạt 129% so với kế hoạch năm.

Trong các dự án mới thu hút được có 23 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với tổng vốn đăng ký khoảng 231 triệu USD. Các doanh nghiệp đầu tư dự án mới vào tỉnh đa số là thuê nhà xưởng có sẵn để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

10 tháng, hơn 900 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN Đồng Nai ảnh 1
Một góc KCN Biên Hòa 2. Ảnh: VH.

Lĩnh vực doanh nghiệp FDI đầu tư nhiều thuộc ngành nhựa, cơ khí, thực phẩm, logistics…với suất đầu tư bình quân là gần 8,7 triệu USD/ha và số lượng lao động bình quân 88 người/ha. Không có dự án nào thuộc ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường hoặc thâm dụng lao động. Các dự án FDI thu hút được đều có công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động.

Tính chung đến đầu tháng 11-2022, các KCN đã thu hút vốn FDI được gần 28,5 tỉ USD và giải ngân được hơn 22,1 tỉ USD.

11 tháng, giải ngân vốn FDI bất ngờ cao nhất 5 năm

Trái ngược với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 11 tháng, vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây…

Số liệu kinh tế 11 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 đạt 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

So với mức giảm 5,4% của cùng kỳ tháng 10/2022, vốn FDI có sự cải thiện khi nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy các thủ tục đăng ký dự án. Nhờ vậy, vốn đăng ký cấp mới có sự phục hồi rõ nét khi tăng 14,9% về số dự án (1.812 dự án) và giảm 18% về vốn đăng ký (11,52 tỷ USD), thấp hơn đáng kể khi so với mức giảm 23,7% trong 10 tháng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính hai dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái, là Dự án Điện LNG Long An I và II với số vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II với số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ.

Tổng tổng vốn FDI đăng ký mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí “quán quân” trong thu hút FDI với số vốn đăng ký đạt 6,52 tỷ USD, chiếm 56,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 18,2%; các ngành còn lại đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 25,2%.

11 tháng, giải ngân vốn FDI bất ngờ cao nhất 5 năm - Ảnh 1

Cùng với vốn đăng ký mới, trong 11 tháng có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,76 tỷ USD, chiếm 13,1%; các ngành còn lại đạt 4,29 tỷ USD, chiếm 20,4%.

Trong khi đó, bất ngờ đảo chiều, sau 11 tháng, tổng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm 7% so với cùng kỳ, đạt gần 4,08 tỷ USD. Số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ đạt 3.298 lượt, giảm 4,8% so với cùng kỳ.

Trái ngược với vốn đăng ký, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,52 tỷ USD, chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 7,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 7,3%.

1 Likes