Nhận định thị trường tuần 28/6-2/7

TÓM TẮT THỊ TRƯỜNG TUẦN QUA VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN ( 28/06 – 02/07 )

Các thông tin trên thế giới như sau:

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tiến 0.3% lên mức đóng cửa cao kỷ lục mới 4,280.70 điểm. Tài chính là lĩnh vực có thành quả tốt nhất thuộc S&P 500, tăng 1.3%. Chỉ số Dow Jones cộng 237.02 điểm (tương đương 0.7%) lên 34,433.84 điểm, còn thấp hơn 2% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite đã xóa sạch đà tăng đầu phiên và khép phiên hạ 0.1% xuống 14,360.39 điểm trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cộng 4 điểm cơ bản lên 1.52%. S&P 500 đã tăng 2.7% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 02/2021. Dow Jones vọt 3.4% trong tuần này, cũng ghi nhận tuần có thành quả tốt nhất kể từ giữa tháng 3/2021, còn Nasdaq Composite tăng 2.4% từ đầu tuần đến nay.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong ngày thứ Sáu sau khi một chỉ báo lạm phát quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng để thiết lập chính sách tăng 3.4% trong tháng 5/2021, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo vào ngày thứ Sáu. Kết quả này trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số cốt lõi tiến 0.5% trong tháng này, thực tế thấp hơn mức dự báo 0.6%.

Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/6), đưa giá cả hai loại dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp nhờ kỳ vọng vào tăng trưởng nhu cầu sẽ vượt nguồn cung, và OPEC+ sẽ thận trọng trong việc đưa thêm dầu thô trở lại thị trường vào tháng 8. Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 0,8% lên 76,18 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1% lên 74,05 USD. Đây là mức đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 10/2018 và tăng hơn 3% trong tuần qua.

Chỉ số DXY giảm xuống ngưỡng 91x kết thúc tuần vừa qua.

Kết luận: Chốt phiên 24/6, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều tăng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết kinh tế Mỹ quý I tăng trưởng 6,4% sau điều chỉnh, không thay đổi so với ước tính công bố hồi tháng 5. Với gói hỗ trợ tài khóa khổng lồ hỗ trợ kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% trong quý I, nhà đầu tư đang trông chờ một thỏa thuận cơ sở hạ tầng có thể dẫn dắt đà phục hồi và thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng hơn nữa.

Về thị trường Việt Nam:

1. Điểm tích cực

Kết thúc tuần giao dịch từ 21-25/6, VN-Index vươn lên đỉnh mới, tăng 12,35 điểm (0,9%) so với tuần trước đó và lên 1.390,12 điểm.

Chỉ số VN-Index tiếp tục tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp, chốt tuần ở mức cao kỷ lục và sắp hoàn tất chuỗi tăng liền mạch 5 tháng, bỏ xa các nước trong khu vực và các chỉ số chính trên thế giới. Kể từ đầu năm, chỉ số này đã tăng 25,9% và 110,88% kể từ đáy tháng 3/2020, chỉ đứng sau mức tăng 126,59% của thị trường Hàn Quốc.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn duy trì trạng thái mua ròng rất mạnh trên HoSE với 1.067 tỷ đồng trong tuần từ 21-25/6, nhưng giảm 10,3% so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 11 liên tiếp của nhà đầu tư này với tổng giá trị 24.677 tỷ đồng. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng đến hơn 1.450 tỷ đồng trong tuần qua, tăng 19% so với tuần trước đó. Đáng chú ý, dòng vốn này đã có chuỗi mua ròng 18 tuần liên tiếp theo phương thức khớp lệnh với tổng giá trị 46.888 tỷ đồng.

2. Điểm tiêu cực

  • Dòng tiền đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần qua đã khiến thanh khoản khớp lệnh với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 18.513 tỷ đồng, giảm 15% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, việc thanh khoản thị trường sụt giảm trong tuần cuối tháng 6 là vấn đề mang tính “kỹ thuật” trước kỳ BCTC bán niên của các CTCK.
  • Giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán diễn biến vẫn theo chiều hướng tiêu cực. Theo dữ liệu của FiinPro, dòng vốn này trong tuần qua mua vào 29,7 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, trong khi bán ra 36,9 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào ở mức 1.466 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra là 1.761 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 7,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 295 tỷ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của khối này với tổng giá trị 768 tỷ đồng.
  • Dòng vốn ngoại bán ròng trở lại tuần vừa qua với giá trị bán ròng 566 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 31.277 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 41.897 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 10.314 tỷ đồng.

Kết luận – Dự báo thị trường tuần 28/6 – 2/7:

  1. Dù dòng tiền có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần vừa rồi nhưng điều đó phần lớn là vấn đề mang tính kỹ thuật trước kỳ báo cáo tài chính sắp tới. Tuần tới, việc đưa hệ thống mới vào giao dịch có thể là tín hiệu cởi trói dòng tiền, do vậy tuần này dòng tiền đã có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sang nhóm VN30. Điều này chứng tỏ khả năng tăng trưởng dài hạn của thị trường Việt Nam vẫn còn rất tốt.

  2. Về kỹ thuật, trong ngắn hạn, chỉ số sẽ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư và số liệu kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp được công bố. Em nhận định chỉ số chung sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy trong vùng 1,350-1,400 điểm trong những tuần tới và trước mắt thì ngưỡng kháng cự gần nhất là 1,390 điểm. Nhưng em đánh giá chỉ số chưa có khả năng quay lại vùng hỗ trợ 1,350 điểm ngay trong tuần sau (28/06-02/07) và chúng ta vẫn còn khá nhiều thời gian để cơ cấu lại danh mục trước khi bước vào công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021 trong một vài tuần tới.

Hành động của chúng ta:

Thị trường đang trong giai đoạn biến động thận trọng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, bao gồm trong đó là tình hình dịch Covid-19 trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời tại các ngưỡng kháng cự, hạ tỉ trọng margin và bảo vệ thành quả. Đến những vùng hỗ trợ có thể giải ngân mua mới những mã dẫn dắt của thị trường.

Watchlist tuần tới: PVS, PVT, PVD, GAS, VCB, CTG, TCB, VCS.