**Tự học chứng khoán: Kiểm soát tâm lý và cảm xúc**

Tâm lý đầu tư và cảm xúc là yếu tố tối quan trọng quyết định mức độ thành công của NĐT trong đầu tư chứng khoán. Đây cũng chính là nhân tố chủ chốt khiến các cuộc hoảng loạn trên thị trường xảy ra. Cùng tìm hiểu 8 dạng tâm lý và 16 cung bậc cảm xúc trên thị trường, cũng như cách cân bằng cảm xúc.

I. Các dạng tâm lý trong đầu tư chứng khoán

1. Tâm lý đám đông (Tâm lý bầy đàn)

Thị trường tài chính luôn bị tác động bởi lòng tham và sự sợ hãi. Tâm lý đám đông chỉ một nhóm các nhà đầu tư dựa vào đám đông để hành động. Tâm lý này khiến nhà đầu tư thường chạy theo 1 trong 2 trường hợp: Quá hưng phấn hoặc quá sợ hãi. Dù là trường hợp nào cũng đều nguy hiểm như nhau.

Một khi nhà đầu tư mang tâm lý quá hưng phấn dễ tạo ra giá ảo còn nếu còn quá sợ hãi thì thường bán tháo cổ phiếu để “cắt lỗ”. Hiệu ứng bầy đàn là một trong các dạng tâm lý học trong đầu tư chứng khoán quan trọng, chi phối đến sự tăng giảm giá của cổ phiếu. Khi đám đông thị trường đua nhau mua một cổ phiếu thì giá mã cổ phiếu sẽ tăng và ngược lại.

Nguyên nhân của tâm lý đám đông là do nhà đầu tư ít kinh nghiệm, thiếu thông tin, không có tư duy phân tích và nghiên cứu. Để hạn chế tình trạng này, nhà đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức, không ngừng cập nhật thông tin chính thống để tránh bị chi phối từ đám đông.

2. Tâm lý tự tin thái quá

Khi mắc phải tâm lý này, nhà đầu tư dường như bị che mờ đi lý trí của bản thân khi đưa ra dự đoán về kết quả đầu tư. Khi quá tự tin thì nhà đầu tư thường sẽ không coi trọng việc đa dạng hóa danh mục của mình và thường bỏ hết trứng vào một giỏ. Và đó cũng chính là lý do họ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những biến động của định giá cổ phiếu và biến động chung của thị trường.

Trên thị trường chứng khoán chứa nhiều rủi ro bất ngờ mà mọi nhà đầu tư đều có thể gặp trong quá trình giao dịch. Vì vậy bên cạnh việc liên tục cập nhật thị trường, theo dõi tin tức cũng như phân tích, nhận định cổ phiếu, nhà đầu tư cần trao đổi với các chuyên gia hoặc những nhà đầu tư chuyên nghiệp để có góc nhìn đa chiều về thị trường.

3. Tâm lý lạc quan quá mức

Lạc quan là một tâm lý tích cực giúp cho con người vượt qua hoàn cảnh bất lợi. Từ đó giúp chúng ta vượt qua khó khăn thách thức. Đối với tâm lý lạc quan quá mức thì xuất phát từ sự quá tự tin. Nhà đầu tư thường tự tin với những quyết định của mình. Họ tin tưởng vào thị trường trong tương lai sẽ tốt hơn thực tế đang diễn ra.

Điểm tích cực trong cung bậc tâm lý này chính là khả năng kích thích đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan quá mức sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, không biết điểm dừng mặc dù đang thua lỗ.

4. Tâm lý sợ thua lỗ

Khi tham gia đầu tư thì không ai lại thích cảm giác thua lỗ và mất tiền. Tuy nhiên, nếu như bạn có tâm lý sợ thua lỗ một cách thái quá thì rất có thể bạn sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề hơn.

Tâm lý sợ thua lỗ xuất phát từ việc thiếu tự tin, kiến thức cũng như kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán. Tâm lý này thường khiến nhà đầu tư lưỡng lự và bỏ qua các cơ hội tốt để hành động.

5. Tâm lý tư duy chắp vá

Một loại tâm lý đầu tư chứng khoán khác cũng liên quan đến sự tự tin thái quá đó chính là tâm lý tư duy chắp vá. Tâm lý này nói rằng khi bạn đưa ra quyết định đầu tư ban đầu dựa theo những thông tin có sẵn, tuy nhiên sau đó bạn nhận được những thông tin khác và chúng có ảnh hưởng đến quyết định ban đầu của bạn, nhưng thay vì phân tích những thông tin mới này thì bạn lại chú tâm đến việc chỉnh sửa lại những phân tích cũ. Điều này không giúp bạn nhìn nhận được một cách đầy đủ về các thông tin mới. Khi đó, bạn đang tư duy theo lối mòn và phân tích một cách chắp vá.

6. Tâm lý giảm thiểu hối tiếc

Ví dụ cho tâm lý này đó là: Khi bạn bán ra một cổ phiếu với mức lợi nhuận đạt kỳ vọng là 20%, tuy nhiên sau đó cổ phiếu lại tiếp tục tăng. Lúc đó bạn sẽ có tâm lý tiếc nuối vì đã bán cổ phiếu sớm mà không đợi thêm để chốt lãi nhiều hơn.

7. Tâm lý khung phụ thuộc

Khái niệm khung phụ thuộc là thuật ngữ đề cập đến xu hướng thay đổi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư dựa theo xu thế chung của thị trường.

Ví dụ cho tâm lý này đó là: Nếu bạn không muốn chịu rủi ro cao khi thị trường giảm điểm thì bạn cũng phải chấp nhận rủi ro cao hơn khi thị trường bắt đầu tăng điểm.

8. Tâm lý cơ chế phòng thủ

Đôi khi có những khoản đầu tư thua lỗ, bạn sẽ có xu hướng cho rằng đó không phải lỗi do bạn. Thay vì nhận lỗi về bản thân thì bạn sẽ đổ do thị trường hay bất cứ nguyên nhân nào khác

II. 16 cung bậc cảm xúc theo chu kì thị trường

16-cung-bac-cam-xuc-1655459621-5346-1655459830

1. Nghi ngờ

Giai đoạn cổ phiếu bắt đầu tăng nhẹ sau thời gian dài tích lũy. Nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu ở vùng giá này tuy nhiên còn nghi ngờ, không biết mã cổ phiếu có thực sự tăng giá hay chỉ là nhịp hồi ngắn hạn. Do đó, nhiều nhà đầu tư chần chừ chưa mua cổ phiếu ở giai đoạn này mà tiếp tục quan sát xu hướng.

2. Hi vọng

Một vài nhà đầu có kinh nghiệm sẽ nhận ra xu hướng tăng của thị trường theo chu kỳ, đặc biệt những mã cổ phiếu theo dõi trước đó. Lúc này, nhà đầu tư bắt đầu mua vào các cổ phiếu có tiềm năng và hy vọng nó sẽ tăng giá trong tương lai gần.

3. Lạc quan

Thanh khoản thị trường tăng được xác minh bởi khối lượng giao dịch lớn trong ngày. Lực mua áp đảo. Giá cổ phiếu tăng nhanh. Điều này càng thu hút dòng tiền. Nhà đầu tư vô cùng lạc quan với các triển vọng sắp tới của doanh nghiệp. Đây cũng là giai đoạn đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường.

4. Niềm tin

Lúc này, những người mua cổ phiếu trước đó đã có lợi nhuận, họ tiếp tục kỳ vọng vào sự tiềm năng của doanh nghiệp cũng như cổ phiếu doanh nghiệp đó trong tương lai. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đổ thêm tiền vào danh mục của mình, mua thêm cổ phiếu.

5. Cảm xúc

Giai đoạn này nhiều tin tức hỗ trợ được đưa ra, mang lại cảm xúc tích cực cho nhà đầu tư. Thực tế, chứng khoán là phản ánh tương lai. Những tin tích cực này chính xác đã được phản ánh vào giai đoạn lạc quan từ trước đó. Giai đoạn này tiếp tục thu hút dòng tiền và gia tăng số lượng nhà đầu tư mới.

6. Hưng phấn

Từ cảm xúc chuyển sang hưng phấn là rất nhanh. Khi đạt được mức lợi nhuận vượt cả kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư cảm thấy tự tin vào khả năng đầu tư của mình. Không ít nhà đầu tư dồn toàn bộ số tiền có được và dùng đòn bẩy (ký quỹ hay margin) để đầu tư nhiều hơn. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ nhận ra đây là đỉnh sóng và thực hiện chốt lãi.

7. Thỏa mãn

Thị trường bắt đầu có dấu hiệu đi ngang, nhưng đa số nhà đầu tư F0 không nhận ra được vì đang thỏa mãn với lợi nhuận có được một cách nhanh chóng. Tin tức hỗ trợ vẫn còn, do đó dòng tiền tiếp tục chảy vào chứng khoán. Nhà đầu tư mua cổ phiếu ở giai đoạn này thường rơi vào tình trạng “đu đỉnh”.

8. Lo ngại

Thị trường bắt đầu xu hướng giảm, tài khoản của nhiều nhà đầu tư cũng giảm theo. Tâm lý lo lắng dần xuất hiện, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa dám đưa ra quyết định với danh mục của mình.

9. Từ chối

Tài khoản âm, mức lỗ ngày một tăng, nhưng nhà đầu tư không muốn cắt lỗ vì họ không tin thị trường đang bước vào giai đoạn phân phối. Nhà đầu tư vẫn tin vào khả năng hồi của thị trường sau vài nhịp điều chỉnh.

10. Sợ hãi

Giá cổ phiếu rơi vào đà giảm nhiều phiên liên tiếp, nếu tăng thì chỉ tăng nhẹ một phiên rồi lại quay đầu giảm sâu tiếp. Nhà đầu tư bắt đầu lo sợ khi số vốn bỏ ra bị hao hụt từng ngày.

11. Tuyệt vọng

Tài khoản âm thậm chí hơn 50%. Lúc này cắt lỗ cũng không còn ý nghĩa, nhà đầu tư rơi vào tuyệt vọng, chỉ mong mỏi được về bờ.

12. Hoảng loạn

Thị trường bước vào giai đoạn xuống giá (thị trường con gấu). Nhiều tài khoản bị gọi ký quỹ (call margin) rồi bán giải chấp dẫn đến tâm lý hoảng loạn đối với nhiều nhà đầu tư.

13. Bán tháo

Hoảng loạn, nhiều nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu bất chấp mức giá thấp. Chính điều này càng khiến cho thị trường xuống giá hơn.

14. Thất vọng

Thị trường tiếp tục chuỗi ngày giảm điểm. Nhà đầu tư cảm thấy không còn hi vọng về bờ. Tâm trạng trở nên vô cùng tiêu cực. Nhiều người bất mãn có thái độ và lời lẽ không hay về doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và thị trường. Họ cho rằng thị trường chứng khoán là canh bạc, không phải kênh đầu tư.

15. Rời bỏ thị trường

Mất niềm tin vào thị trường, nhà đầu tư có tâm lý ân hận, hối tiếc và tự hứa sẽ không bao giờ “chơi” chứng khoán nữa. Thanh khoản thị trường lúc này gần như cạn kiệt vì không còn ai mua và nhà đầu tư cũng không còn bán ở giá thấp nữa.

16. Mất niềm tin

Thị trường chứng khoán không còn là một kênh đầu tư yêu thích. Dòng tiền dần chuyển sang các kênh đầu tư khác an toàn hơn như gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư mất niềm tin hoàn toàn vào chứng khoán. Đối với nhà đầu chuyên nghiệp, giai đoạn 15 và 16 sẽ là thời điểm lý tưởng để giải ngân, khởi đầu cho giai đoạn nghi ngờ.

III. Các nhân tố chi phối đến tâm lý trong đầu tư chứng khoán

1. Năng lực của NĐT còn hạn chế

Năng lực của một nhà đầu tư được nhìn nhận dựa trên hai góc độ: trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường tài chính có trình độ học vấn rất cao. Tuy nhiên, kinh nghiệm đầu tư của họ trên thị trường tài chính chưa nhiều, do đó đây chính là rào cản ngăn họ tham gia vào các hoạt động đầu tư tài chính.

2. NĐT chủ yếu là nam giới

Nhà đầu tư là nam giới chiếm tỷ lệ cao trên trên thị trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nam giới có mức độ tự tin cao hơn so với nữ giới trong việc đầu tư. Tuy vậy, nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng nữ giới lại có mức độ thành công trong đầu tư cao hơn so với nam giới. Như vậy khi tỷ trọng nhà đầu tư nam giới càng cao thì mức độ thất bại trong hoạt động đầu tư lại càng lớn.

IV. Làm sao để quản trị cảm xúc

1. Đặt mục tiêu lợi nhuận hợp lý

Lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn. Thông thường mục tiêu về lợi nhuận trong đầu tư chứng khoán hợp lý trong khoảng 15 đến 20%/năm.

2. Tuân thủ nguyên tắc giao dịch

Trong đầu tư, để hạn chế rủi ro, NĐT cần có các nguyên tắc riêng cho bản thân mình. Khi đã thiết lập bộ nguyên tắc cho bản thân, NĐT cũng cần phải nghiêm khắc thực hiện chúng. Nguyên tắc giao dịch NĐT có thể tự đặt ra hoặc trao đổi với tư vấn viên.

3. Đưa ra ít quyết định hơn

Cách này phù hợp với những NĐT đầu tư chứng khoán dài hạn. Chọn ra các cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư, đầu tư một khoản cố định vào các cổ phiếu này và giữ trong dài hạn cho đến khi chúng không còn phù hợp với mục tiêu đầu tư. Tái cân bằng danh mục đầu tư 1 hoặc 2 lần mỗi năm để kiểm soát việc phân bổ tài sản. Bằng cách này, NĐT có thể vượt qua mọi suy thoái và mọi biến động trên thị trường.

4. Hiểu rõ doanh nghiệp mà bạn đầu tư

Điều quan trọng không phải danh mục của bạn có bao nhiêu mã, mà là bạn hiểu doanh nghiệp bạn đang nắm giữ đến mức nào!

5. Không đắm chìm trong thất bại

Không ai đúng mãi. Hãy chấp nhận rằng đây là kết quả tất yếu khi đầu tư và nhanh chóng vượt qua cảm giác thất bại. Dành thời gian để học hỏi từ sai lầm, nhưng đừng dằn vặt bản thân vì những việc đã qua. Suy nghĩ tích cực và luôn nhìn về phía trước.

6. Không ngừng học hỏi

Thị trường luôn biến động và đòi hỏi NĐT cập nhật thông tin cũng như kiến thức liên tục.

Và có lẽ, thiền là một ý tưởng không tồi.

Nguồn: Tổng hợp

2 Likes